6 giờ chất vấn của dân Thủ Thiêm với đại biểu Quốc hội

Đó là những gì diễn ra trong buổi tiếp xúc của tổ ĐBQH TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và bà Trịnh Ngọc Thúy với cử tri quận 2 (TP.HCM).

Những vấn đề được người dân quan tâm tại buổi tiếp xúc tập trung vào các vấn đề ranh quy hoạch Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm, giá đất đền bù thấp và việc đầu tư làm bốn con đường 12 km tốn 12.000 tỉ đồng.

Dù lịch tiếp xúc cử tri là 14 giờ nhưng trước đó một tiếng, người dân quận 2 đã tập trung về Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 để tham gia rất đông. Hơn 14 giờ, buổi tiếp xúc cử tri với tổ ĐBQH mới được bắt đầu nhờ sự hỗ trợ của lực lượng an ninh tại chỗ.

Ông Ngô Hùng Phong (nhà số 156, khu phố 3, phường An Khánh, quận 2, có nhà nằm trong quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm) cho biết khi chính quyền giải tỏa, ông đều tuân thủ và chờ nhận nền tái định cư. Thế nhưng gần 10 năm nay gia đình ộng không có chỗ ở, bao nhiêu thế hệ phải ly tán. "Đến giờ tôi là kẻ không nhà. Hai năm trước cha tôi mất, ông hỏi nhà đâu, tôi không biết trả lời ra sao" - ông Phong nghẹn ngào nói.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết vừa khóc vừa xin thêm hai giờ để nói vì người dân bức xúc quá lâu. Gia đình bà cũng bị thu hồi nhưng còn có đất ở quê để trở về. Tuy nhiên, bao nhiêu năm vẫn ôm uất ức vì hơn 3.000 m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng, bằng tiền mua ba tô phở.

Bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) cho rằng nhà bà 88,9 m2, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế vào sáng 1-3-2012. Bà Dung nói, khi đó bà chưa nhận đồng bồi thường nào và phải vào ở khu tái định cư, bắt đóng hơn 140.700 đồng/tháng phí quản lý từ tháng 4-2015 tới nay. "Bây giờ yêu cầu giải quyết thỏa đáng cho tôi. Yêu cầu trả lại đúng 88,9 m2, miễn phí quản lý cho tôi" - bà Dung nhấn mạnh.

Cùng cảnh ngộ với nhiều hộ dân, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (khu phố 1, phường Bình An) đeo tấm biển trước ngực trên đó có ảnh bà cùng với di ảnh người chồng đã mất. Bà kể, năm 2012 nhà bà bị cưỡng chế, không được đền bù, bốn người trong gia đình trở thành vô gia cư, phải chia nhau ở bốn nơi. Hiện nay bà Phượng vẫn dựng chòi ở lại nền nhà cũ để bám đất.

Một cử tri mang theo tấm ảnh về ngôi nhà cũ nay đã bị giải tỏa.

Cụ ông trầm ngâm lắng nghe các hộ dân trình bày những uất ức lâu nay.

Hàng trăm người dân chờ đợi đến lượt phát biểu, nhiều người cảm thấy mệt mỏi nhưng không bỏ cuộc.

Buổi tiếp xúc cử tri trở nên "nóng" hơn bao giờ hết vào lúc 18 giờ 30, cử tri Nguyễn Hồng Quang trưng ra bản đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, tỉ lệ 1/10.000. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê xuống tận nơi xem bản đồ này.

 "Chúng tôi muốn qua bản đồ này để khẳng định nhà, đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Nếu Nhà nước cần đất mở rộng TP, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua, chưa thấy cái gì thành hình, tất cả chỉ bán đất, phân lô, xây chung cư... Chúng tôi đã đau khổ quá lâu" - cử tri Nguyễn Hồng Quang nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm dùng điện thoại chụp lại tấm bản đồ từ phía cử tri trưng ra.

Cử tri Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu sau khi trình bày những bức xúc của mình về vấn đề nhà bị cưỡng chế thu hồi.

Bà Huỳnh Hồng Loan (khu phố 1, Bình An) có nhà bị giải tỏa từ năm 2009. Theo chia sẻ của bà, trước đây gia đình bà không được mời lên làm việc, không có thông báo cưỡng chế, không được tái định cư do không đủ điều kiện.

Một cử tri bức xúc tiến về phía lãnh đạo quận 2 để trình bày sự việc.

Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt những người dân Thủ Thiêm.

BTC phải huy động các lực lượng hỗ trợ hạn chế người dân quá khích.

20 giờ 30 phút, buổi tiếp xúc cử tri kết thúc. Nhiều người nán lại trình bày tâm tư với tổ ĐBQH trước khi ra về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm