Bộ Công an kiểm tra việc xử phạt 200.000 đồng do ép hôn

Như PLO.VN đã thông tin, chiều 22-3, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý đối tượng có hành vi "sàm sỡ" nữ sinh trong thang máy ở quận Thanh Xuân.

Văn bản cũng nói rõ: "Trường hợp quy định pháp luật chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, bổ sung cho phù hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 15/4".

Chỉ đạo này xuất phát từ vụ việc được báo chí, dư luận quan tâm, xảy ra tối 4-3, tại một chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nữ sinh 20 tuổi bị người đàn ông khống chế ôm, hôn, có tính chất quấy rối tình dục, nhưng sau khi báo chí lên án mạnh mẽ, ngày 18-6, Công an quận Thanh Xuân mới phạt hành chính anh này 200.000 đồng, căn cứ xử phạt là khoản 1, Điều 5, Nghị định 167 của Chính phủ.

Như PLO.VN đã phân tích, đến nay, ngoài quy định chung trong Bộ luật Lao động cấm “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” thì không còn văn bản pháp luật nào khác cụ thể hóa về hành vi quấy rối tình dục và chế tài kèm theo. Vậy nên, gặp phải trường hợp cụ thể của nữ sinh 20 tuổi, công an chỉ biết đối chiếu vào Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ban hành từ năm 2013, Nghị định này có điều khoản xử phạt hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", với khung phạt 100.000-300.000 đồng. Đây là điều khoản duy nhất có thể đối chiếu với sự việc “cưỡng hun”. Nhưng việc áp dụng mức chế tài như vậy với hành vi thô bạo, có tính chất quấy rối tình dục rõ ràng là không hề tương xứng, và bị dư luận phản ứng.

Đây chỉ là một trong nhiều khiếm khuyết, hạn chế của Nghị định 167. Từ giữa năm 2017, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã nghiên cứu sửa đổi văn bản pháp luật này. Theo dự thảo được gửi xin ý kiến công an các địa phương, nhiều hành vi vi phạm hành chính được bổ sung, như chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép con dấu, cản trở quyền tự do cư trú, phun sơn dán quảng cáo trên tường… Tuy nhiên, vẫn không có điều khoản nào về hành vi quấy rối tình dục. Đề xuất sửa đổi liên quan nhất là tăng mức xử phạt với nhóm hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" lên khung 1-2 triệu đồng.

Đến nay, đề xuất sửa đổi này vẫn dừng ở những dự thảo ban đầu, để rồi lãnh đạo Chính phủ, từ một vụ việc cụ thể, phải yêu cầu Bộ Công an “khẩn trương đề xuất”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 22-3, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết việc sửa đổi Nghị định 167 trước đây được Bộ phân công cho Tổng cục Cảnh sát. Nhưng sau đó Bộ Công an sắp xếp, tính gọn bộ máy, tổ chức nên công việc có bị chậm lại.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, đầu mối giúp Bộ Tư pháp thẩm định sửa đổi Nghị định 167 thì gần đây, Bộ Công an đã phân công cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định này. “Chúng tôi đã cử người tham gia để phối hợp ngay từ đầu. Nhưng hiện có băn khoăn là sửa luôn hay đợi sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính, rồi các nghị định liên quan theo đó mà sửa luôn thể”, ông Sơn chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy