Từ những hãng thông tấn lớn như AFP, France 24, đến các tờ báo như Asia Times (Hong Kong), New Sarawak Tribune (Malaysia), các trang tin kmib.co.kr (Hàn Quốc) videostreet.pk, neonenetwork.pk (Pakistan), tất cả đều đăng tải thông tin vụ một người đàn ông ép hôn trong thang máy ở Hà Nội cùng những ý kiến bày tỏ sự bất bình đối với mức phạt nhẹ (chỉ 200.000 đồng) được áp dụng đối với hành động này.
Cụm từ “elevator sexual assault” đã được sử dụng phổ biến trong các bản tin được báo chí nước ngoài đăng tải về việc trên.
Hãng AFP và nhiều tờ báo đưa tin người dân Việt Nam đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự phẫn nộ sau khi đoạn video ghi lại cảnh ép hôn từ camera giám sát phát tán trên Internet.
Thông tin về vụ ép hôn trên báo chí nước ngoài. Ảnh ghép từ Internet
“Một cơn bùng phát giận dữ công khai hiếm hoi ở một đất nước mà tấn công tình dục hiếm khi được đề cập một cách cởi mở”, AFP nhận định.
Hãng tin France 24 dẫn lời một người tên Duong Dai Trieu Lam viết trên trang Facebook: “Khoản tiền phạt là một sự nhạo báng và sỉ nhục đối với phẩm giá của phụ nữ Việt Nam”.
Trang kmib.co.kr dẫn lời một công dân Việt không nêu tên nói rằng nếu vụ việc trên xảy ra ở Mỹ, kẻ ép hôn “sẽ phải chịu hình phạt lớn”. Một người khác là phụ nữ thì nói với kmib.co.kr rằng hình phạt dành cho người đàn ông “không nặng”, và rằng sau vụ việc trên, hiện cô “cảm thấy sợ mỗi lần đi thang máy”.
Tờ Asia Times đưa tin các công dân Việt Nam “đang ký bản kiến nghị kêu gọi giới chức sửa luật”.
AFP đưa tin bà Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã hoan nghênh sự phản đối của công chúng sau vụ tấn công thang máy.
"Phản ứng là một dấu hiệu tốt, xã hội đã thể hiện sự ủng hộ với những người can đảm lên tiếng", bà Hồng nói với AFP.