Cải cách hành chính: Phải làm mạnh hơn

Sáng 27-11, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học “Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030”.
Cải cách hành chính không chỉ bằng quyết tâm chính trị
Tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu nhắc lại thời điểm 1980-1995, Đại hội VI đã nhấn mạnh tinh thần: “Không cải cách thì chúng ta sẽ chết”. Ông Thu cho rằng công cuộc CCHC thời gian qua đã đạt một số thành tích “cực kỳ to lớn”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta tiếp tục CCHC như thế nào. 
“Dứt khoát công cuộc CCHC của đất nước không thể dừng lại, mà càng cải cách mạnh hơn” - ông Thu nói. 

Ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Nội vụ, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THU NGUYỆT

Ông Thu sau đó nêu hàng loạt thách thức đặt ra đối với công cuộc CCHC. Thách thức đầu tiên, theo ông, “các nhà CCHC cô đơn quá”, “tiến hành CCHC nhưng đơn thương độc mã”. Nguyên thứ trưởng Nội vụ cho rằng công cuộc CCHC bao giờ cũng gồm cải cách lập pháp, hành pháp, tư pháp và cuối cùng là đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, yếu tố sau cùng chính là cải cách lớn nhất và chi phối các cuộc cải cách. 
“Đầu tiên phải tiến hành cải cách đồng bộ những việc này. Chừng nào chúng ta chưa làm được thì không kỳ vọng gì!” - vẫn lời ông Thu.
Một thách thức khác, theo ông Thu, là “tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa” vẫn còn trong tiềm thức của chúng ta. “Phải loại bỏ ngay những điều này thì mới tiến hành cải cách được” - ông Thu nói.
Ngoài ra, ông Thu cũng đánh giá năng lực quản trị hiện nay còn yếu, đặc biệt là năng lực thực thi. “Các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ không ai có thể bổ sung thêm được đâu. Vấn đề là làm quyết liệt… CCHC chỉ có thể thực hiện trên cơ sở khoa học chứ không thể chủ quan duy ý chí được, bằng quyết tâm chính trị thôi thì không làm được đâu” - ông Thu cảnh báo.
Xóa tình trạng bộ “ôm, nắm” doanh nghiệp 
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc lưu ý vấn đề cần tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất, kinh doanh. Chúng ta đang làm việc này nhưng đây vẫn là “thách thức rất lớn”, theo lời ông Phúc. Ông dẫn chứng những năm qua chúng ta mới cổ phần hóa được 30 doanh nghiệp (DN), vẫn còn hơn 1.000 DN đang chờ cổ phần hóa.
Cạnh đó là việc tách quản lý nhà nước ra khỏi các tổ chức sự nghiệp. Ông Phúc dẫn chứng, hiện công chức từ cấp huyện trở lên chưa đến 300.000 người nhưng số hoạt động trong khu vực đơn vị sự nghiệp khoảng 2,5 triệu người. Theo ông, cần phải chuyển bộ phận này sang một cơ chế mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng việc này đang diễn ra cực kỳ chậm. 
“Tư tưởng bao cấp và thậm chí bộ, ngành còn muốn “nắm” tới từng đơn vị. Bộ của các DN, bộ của các đơn vị sự nghiệp thì làm gì có bộ để lo sự phát triển toàn diện của đất nước này. Nếu không làm được cái này, xin lỗi, mọi công cuộc cải cách của chúng ta trở thành tốn kém, không tác dụng” - ông Phúc nhận xét.
Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc cho rằng tư tưởng chủ đạo lớn nhất trong cải cách là chuyển đổi chức năng, Nhà nước nên làm đúng việc của mình, còn lại của DN, của xã hội
“Làm như vậy không phải chúng ta từ bỏ lãnh đạo, chúng ta quản lý bằng thể chế của nhà nước pháp quyền” - ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, CCHC giai đoạn 2021-2030 cần chọn vấn đề then chốt để làm xoay chuyển theo xu hướng mới. Theo đó, một nền hành chính hay một nền quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả ngày càng công khai, minh bạch, thể hiện pháp chế dân chủ. Một nền hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển hay còn gọi là một nền hành chính “bà đỡ” của sự phát triển. 
Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất đặt ra với CCHC là “cải cách cán bộ” mà trọng tâm là trọng dụng nhân tài. Dẫn kinh nghiệm từ Singapore, vị này cho rằng cán bộ hành chính của đất nước này là “tinh hoa và tinh nhuệ nhất”, được tuyển chọn bài bản.
“Cần nâng cao vị thế và hình ảnh của cán bộ, công chức Việt Nam” - ý kiến này cho rằng sau khi có sàng lọc, tuyển chọn thì cần phải tạo điều kiện, môi trường thực sự cho người tài phát huy được. Với môi trường của ta hiện nay, người tài chưa phát huy được năng lực của mình.• 

Cần phân cấp, phân quyền và đội ngũ chuyên nghiệp 
Đề xuất giải pháp, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng hiện nay có hai “nút” cần tháo gỡ. Thứ nhất, về hệ thống chính trị, cần đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng. Muốn có một nền hành chính chuyên nghiệp hiện đại thì công chức cần chuyên nghiệp. Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng cần ngày càng chuyên nghiệp… “Sau ủy viên Trung ương thì đại biểu Quốc hội phải là những tinh hoa của dân tộc này, để quyết định những vấn đề cực kỳ lớn của đất nước…” - ông Phúc nói.

Thứ hai, cần có một nền hành pháp mạnh, tập trung cho hành động chứ không phải ngồi bàn. Thứ ba, làm sao đội ngũ chuyên nghiệp hóa. “Đến giờ vẫn có người không biết sử dụng máy tính. Dần dần phải giảm bớt những thứ như thế” - ông Phúc nói.

“CCHC là để mọi người, mọi tổ chức làm đúng chức năng, đúng việc của mình, còn lại là của nhân dân” - ông Phúc lưu ý.

Nguyên thứ trưởng Nội vụ cũng đề nghị cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương. “Hiện nay cứ nói tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng có phân quyền cho địa phương đâu, thế nhưng lại cứ trách mọi việc đẩy hết lên trung ương. Không thể cãi cọ nhau 10 m2 đất cũng đưa lên Thủ tướng” - ông Phúc nói và nhấn mạnh “phân cấp, phân quyền” là bước tiến quan trọng trong quản trị đất nước và nhà nước pháp quyền. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm