Sáng 15-2, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Cần quy định cụ thể vì dễ đụng chạm
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Công an, Ủy ban Quốc phòng An ninh đã thống nhất chỉnh lý, bỏ điều quy định về biện pháp vũ trang nhưng bổ sung ba điều mới (điều 11-13) trong dự thảo.
Theo đó, Điều 11 quy định về bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Điều 12 quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; Điều 13 quy định về việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu băn khoăn về quy định CSCĐ vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế... tại Việt Nam “phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Bà Nga đặt vấn đề: “Quy định của pháp luật Việt Nam” là quy định nào. Nêu chung chung như thế thì ngay cả CSCĐ cũng không biết để tuân thủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn dự thảo, nói: Biện pháp vũ trang là một trong bảy biện pháp cơ bản quy định trong Luật An ninh quốc gia và là một trong 20 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên, các luật nói trên hay các văn bản dưới luật đều chưa quy định cụ thể thế nào là “biện pháp vũ trang”.
“Đây là biện pháp khi áp dụng chắc chắn liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức… Nên chăng cần quy định rõ để các cơ quan chức năng, trong đó có CSCĐ có cơ sở và yên tâm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tránh sự lạm dụng (nếu có)” - ông Tùng kiến nghị.
Ông Tùng cũng băn khoăn với quy định vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống khủng bố. Tuy nhiên, Luật Phòng chống khủng bố lại không quy định cụ thể trường hợp nào được vào nơi ở công dân. “Anh có thể vào trong trường hợp nào phải được quy định rõ ràng trong luật thì mới bảo đảm tính hợp hiến” - ông Tùng nhấn mạnh.
Ông cũng nêu băn khoăn về quy định huy động người, phương tiện, thiết bị thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế… của dự thảo. Theo dự thảo, việc huy động trên phải theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Công ước Vienna quy định trụ sở, đồ đạc, tài sản, phương tiện giao thông của các cơ quan lãnh sự sẽ không bị trưng dụng dưới bất kỳ hình thức nào…
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải: CSCĐ là lực lượng vũ trang và thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu trong lực lượng công an nhân dân. Theo ông Tô Lâm, lực lượng này tổ chức vũ trang như một đơn vị của quân đội. Trong công an có nhiều lực lượng đều thuộc lực lượng vũ trang nhưng biện pháp vũ trang chủ yếu là ở CSCĐ. Bộ trưởng dẫn lại lời Bác Hồ: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn” và cho rằng việc giúp đỡ của nhân dân nêu trong dự luật là khái niệm gần gũi, phù hợp. Bộ trưởng cũng cám ơn các đại biểu đã chia sẻ, thấu hiểu với lực lượng công an nhân dân... |
Địa phương hỗ trợ kinh phí cho cảnh sát cơ động
Một nội dung khác được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ cùng với ngân sách nhà nước.
Theo bà Lê Thị Nga, Luật Ngân sách nhà nước không quy định hỗ trợ. “Tại sao không quy định ngân sách nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động của CSCĐ mà lại quy định HĐND, UBND có hỗ trợ?” - bà Nga nêu.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định quy định như dự thảo luật không sai với Luật Ngân sách nhà nước.
Theo ông Hải, Luật Ngân sách quy định ngân sách cấp dưới được chi hỗ trợ cho các đơn vị cấp trên trong trường hợp cần thiết như phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội khác.
“Đặc biệt, công tác chống dịch vừa qua huy động lực lượng CSCĐ, các lực lượng vũ trang tham gia rất nhiều. Ngân sách cấp trên chưa giải quyết được kịp thời thì cấp địa phương có quyền hỗ trợ và luật cho phép” - ông Hải nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình về cơ chế hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ. “Nếu không đưa vào luật này, các địa phương khó thực hiện vì thực tế, các địa phương đều có việc hỗ trợ các lực lượng công an, quân đội… ” - ông Thanh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Luật Ngân sách nhà nước cho phép ngân sách địa phương được hỗ trợ cho các đơn vị trung ương như công an, tòa án, viện kiểm sát và các lực lượng khác trên địa bàn khi tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, địch họa…
Ông Huệ dẫn chứng: Quân đội huy động cả tiểu đoàn gặt lúa cho dân trong lúc chạy lũ. Nhiệm vụ này không phải của bộ đội nhưng việc của dân phải xông vào làm. Trong khi dự toán kinh phí của Bộ Quốc phòng không chi cho việc này nên địa phương có hỗ trợ.
“Tôi thấy không có vấn đề gì cả. Quy định tại dự thảo luật không trái với Luật Ngân sách nhà nước” - ông Huệ nói.