Bộ luật Dân sự 2005 còn nhiều bất cập

TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp, cho biết: BLDS 2005 chưa có điều khoản nào quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác với BLDS về cùng một vấn đề. Thế nhưng trong bộ luật lại có không ít những quy định có tính chất chuyên ngành mà lẽ ra cần phải được quy định ở các luật riêng: Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ. Thậm chí, trong 26 quyền nhân thân được quy định trong BLDS có không ít quyền mà xét về tính chất thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật này.

Hiện đang có ý kiến cho rằng cần bỏ quy định về chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác trong BLDS. Đồng thời, thay đổi quy định về hình thức sở hữu. Bởi lẽ, BLDS phân loại sáu hình thức sở hữu (sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) thiếu căn cứ khoa học, không rõ ý nghĩa về mặt pháp lý, do không chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các hình thức sở hữu này. Lẽ ra chỉ nên quy định ba hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu riêng (của một chủ cá nhân hoặc pháp nhân) và sở hữu chung (sở hữu của nhiều chủ). Trong đó, tài sản thuộc sở hữu chung thì khi sử dụng, định đoạt phải có sự thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu. Chủ sở hữu tài sản riêng thì có toàn quyền quyết định. Còn thực chất, sở hữu tập thể chỉ là sở hữu của pháp nhân hợp tác xã, còn sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân. Về bản chất, hai hình thức sở hữu này đều thuộc nhóm sở hữu riêng (của một cá nhân hoặc một pháp nhân), không cần thiết quy định hình thức sở hữu riêng.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm