Kết quả PCTN: Chống tham nhũng có khi như húc vào đá!

Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật vừa công bố báo cáo giai đoạn một dự án đánh giá hiện trạng và xây dựng năng lực phòng chống tham nhũng cho các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng nông thôn. Ý kiến người dân thu thập trong cuộc điều tra xã hội học này phản ánh thế nào về tình hình tham nhũng hiện nay? Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với TS Nguyễn Đình Huấn (ảnh) - ủy viên CECODES.

Mới đi vào cuộc sống về mặt lý thuyết

. Thưa ông, có thể nhận định thế nào qua kết quả điều tra xã hội học với dân chúng về tình hình phòng chống tham nhũng sau hai năm triển khai luật?

Kết quả PCTN: Chống tham nhũng có khi như húc vào đá! ảnh 1+ Ngắn gọn mà nói thì Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) mới vào cuộc sống về mặt lý thuyết, có tác dụng tích cực, song hiệu quả thực tế vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng như mục tiêu đặt ra. Điểm tích cực nhất là đại bộ phận dân chúng biết là có Luật PCTN, với tỷ lệ tới 97% người được hỏi.

Tuy nhiên, người dân chỉ biết qua qua thôi, chủ yếu là qua báo, đài hoặc do truyền tai nhau, hoặc nghe chính quyền phổ biến. Hầu hết người dân cho rằng việc phổ biến luật là kém hoặc quá kém, trong khi cán bộ địa phương đánh giá ở mức độ khá hoặc trung bình. Đây là kết quả của việc tổ chức tuyên truyền theo kiểu phong trào, dựa chủ yếu vào hệ thống đảng, chính quyền mà thiếu tính dân.

Về tác động tới tình hình tham nhũng so sánh một năm sau khi ban hành luật, 67% người được hỏi cảm nhận có giảm, 26% nói không thay đổi, và 7% cho rằng tăng. Nhưng kết quả này lại mâu thuẫn với đánh giá về mức độ phát hiện tham nhũng ở địa phương khi có tới 74% người được khảo sát cho là ít và không thường xuyên. Tương tự, đánh giá về việc xử lý tham nhũng, có tới 73% ý kiến cho là chưa và không kiên quyết... Mâu thuẫn trên có thể được giải thích là thời gian đầu triển khai, tuyên truyền rầm rộ, Luật PCTN đã có tác dụng răn đe. Song năng lực phát hiện, xử lý vẫn còn hạn chế.

Bản kê khai tài sản có công khai đâu để giám sát

. Từ góc độ người dân, họ giải thích thế nào về những hạn chế trong phát hiện tham nhũng?

+ Chúng tôi hỏi đã sử dụng Luật PCTN trong việc phát hiện tham nhũng thế nào, thì nhiều người trả lời: “Phát thế nào được. Chính quyền đòi phải có chứng cứ, thì chúng tôi lấy đâu ra. Bản kê khai tài sản cũng có công khai đâu mà dân biết, giám sát!”. Trả lời đó của dân khá phù hợp với tỷ lệ 74% trả lời là việc tố cáo tham nhũng tại địa phương còn ít và không đầy đủ chứng cứ.

Chúng tôi tiếp xúc một số cụ hưu trí từng theo đuổi tố cáo tham nhũng ở Hà Nội và Đà Nẵng, họ đều nói là không thành công. “Người ta kết bè cánh, bọc lót cho nhau chặt chẽ. Mình như húc đầu vào đá!” - họ nói vậy. Còn ở Long An, người dân được mời thảo luận nói: “Dân biết có tham nhũng, nhưng không dám nói và không dám viết đơn, vì không được nhà nước bảo vệ. Vậy nói làm gì!”

. Kỹ năng tố giác, đấu tranh tham nhũng của người dân kém, vậy các tổ chức xã hội, đoàn thể đứng đâu mà không giúp họ?

+ Ông Đinh Đình Phú - người phát hiện, thúc đẩy xử lý vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn tới cùng, kể chính những bị can trong vụ án đó từng tuyên bố với ông là những việc họ làm đều được thường vụ thị ủy ra nghị quyết. Họ vin vào đó để buộc tội lại người tố cáo là chống Đảng. Vin vào quy định 19 điều cấm với đảng viên, để ép chi bộ khai trừ ông Phú. Nhưng may chi bộ của ông Phú mạnh, bảo vệ được thành viên.

Còn những chỗ khác, như chúng tôi khảo sát, thì vai trò của các đoàn thể rất mờ nhạt, chưa thực sự là chỗ dựa cho dân đương đầu với những kẻ tham nhũng. Ở Lâm Đồng, nhiều người dân cho rằng các đoàn thể mới tham gia ở mức độ tuyên truyền. Thảo luận nhóm ở Thanh Hóa thì đánh giá chung là cán bộ MTTQ còn tâm lý sợ UBND.

Ở nông thôn, người dân chủ yếu chỉ biết dựa vào mấy đoàn thể như nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh. Nhưng các tổ chức xã hội này lại chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền. Bản thân họ không độc lập với nhau, đứng đầu đoàn thể này lại là thành viên đoàn thể kia, nên năng lực giám sát, đấu tranh với những tiêu cực bên chính quyền rất hạn chế. Mạnh hơn cả là hội cựu chiến binh, tiếng nói của họ thường được dân lắng nghe, và những người đi cầu trong những cuộc khiếu kiện, tố cáo tham nhũng cũng thường là cựu chiến binh.

Sự ủng hộ của báo chí rất quan trọng

. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cuộc điều tra xã hội học có tìm được mô hình nào hiệu quả hơn cả trong PCTN?

+ Chúng tôi thấy có sự phân tầng khá rõ nét về mức độ tham gia của người dân vào PCTN. Cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, hoặc đang làm việc nhưng không chức quyền, hay ít quyền, thường rất bức xúc trước tệ nạn tham nhũng. Lớp dân lao động bình thường, người nghèo là dễ tổn thương nhất, bức xúc nhất về tham nhũng. Nhưng trình độ hạn chế, lại phải vật lộn với cuộc sống nên có tâm lý an phận, sợ cấp trên.

Khảo sát thì thấy những vụ đấu tranh có hiệu quả thường là một vài người có uy tín của nhóm trên, tập hợp dân cư nhóm dưới. Và đặc biệt, họ tìm được ủng hộ của báo chí. Có thể hiểu, đây là mô hình mà người dân hay vận dụng nhất. Trường hợp ông Đinh Đình Phú biểu hiện khá rõ cách thức đấu tranh này.

. Thưa ông, Chiến lược PCTN đến 2020 mà Chính phủ vừa thông qua đặt ra một nhiệm vụ là xây dựng công cụ đánh giá tình hình tham nhũng, đo đếm được chuyển biến hàng năm. Qua đợt khảo sát lần này, nhóm dự án có đề xuất gì?

+ Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa rồi, số vụ việc tham nhũng bị phát hiện, khởi tố, truy tố mới giảm so với năm trước nhưng đánh giá thế nào: tham nhũng giảm hay năng lực phát hiện kém, vấn đề không đơn giản. Do đó, cách tốt nhất là điều tra xã hội học cảm nhận của người dân về tình hình tham nhũng. Đây cũng là cách mà Tổ chức Minh bạch quốc tế áp dụng. Cảm nhận của người dân là thước đo chính xác nhất về quyết tâm chính trị của nhà nước trước vấn nạn tham nhũng.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm