Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Mỗi nhà là một pháo đài chống dịch'

Tối 4-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu HĐND TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 sau kỳ họp thứ 20 HĐND TP khóa IX.

Cần xử nghiêm người nhập cảnh trái phép

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.
Cử tri Đặng Thanh Bình, phường Nguyễn Cư Trinh lo lắng về tình trạng những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, là nguy cơ rất lớn làm lây lan dịch COVID-19 và là mối họa thực sự đe dọa đến công sức phòng chống dịch của cả nước.
Từ đó, cử tri Bình kiến nghị khi có đầy đủ bằng chứng về hành vi nhập cảnh trái phép và môi giới nhập cảnh trái phép thì cần sớm khởi tố và xử lý để răn đe.

Cử tri quận 1 bày tỏ lo lắng về dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: TÁ LÂM

Về vấn đề giảm cán bộ không chuyên trách, cử tri Hoàng Thị Lợi cho rằng nghị định 34 của Chính phủ thì phải chấp hành, nhưng giảm một lúc gần 2.300 cán bộ không chuyên trách ở phường xã, bà cảm thấy rất lo lắng. Vì khối lượng công việc ở phường rất lớn, áp lực rất cao, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay.

“Công việc sẽ dồn lên vai người còn lại. Khi dịch bệnh hoành hành, đời sống khó khăn mà mất việc làm rất lo lắng”- bà Lợi nói và đề nghị xem xét lại hình thức tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay, đang là hình tháp ngược, phía trên rất to, phường xã rất nhỏ và ngày càng tinh giản biên chế là chưa phù hợp.
"Phường xã là nơi tiếp xúc, triển khai vận động người dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mà cứ teo lại dần là không ổn. Ở phường xã, một người phụ trách 5-7 công việc, nếu cứ giảm biên chế và chế độ lương bổng như nghị định 92 thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự nhiệt tình của cán bộ phường xã", bà Lợi nói.

Nhắc nhở không được sẽ xử phạt không đeo khẩu trang 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin đến cử tri quận 1 về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước và TP gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời cử tri. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Phong, mặc dù TP đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng đã cùng cả nước bước đầu ngăn chặn và đẩy lùi dịch, phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Hiện nay TP đang cùng lúc triển khai nhiệm vụ kép, tiếp tục đẩy mạnh giải pháp chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Sáu tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng GRDP 2%, là tốc độ thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Dịch vụ tăng 0,67%, trong khi mọi năm là hơn 8%. Đầu tư công có kết quả giải ngân khá tốt so với cùng kỳ (đạt 43%). Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, lượng khách quốc tế giảm 70%.

Mặc dù gặp khó khăn do dịch, nhưng cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong thực hiện mục tiêu kép.
Đối với các ý kiến của cử tri lo lắng về dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong cho biết tại TP.HCM từ khi có dịch đến nay có 69 ca nhiễm, trong đó 61 bệnh nhân đã khỏi, hiện đang cách ly điều trị 8 bệnh nhân, sức khỏe ổn định, trong đó đa số là từ Đà Nẵng trở về.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Phong cho biết TP tạm thời ngưng hoạt động một số cơ sở dịch vụ và hạn chế các hoạt động đông người để phòng chống dịch. TP sẽ theo dõi sát diễn biến dịch và đề nghị người dân chủ động phòng chống dịch, với biện pháp đầu tiên là đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tụ tập đông người.
“Sau nhiều lần nhắc nhở không được sẽ phạt. Các quận huyện sẽ có đội công tác để vận động bà con, kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện”- ông Phong nói và cho biết thêm TP cũng đã kích hoạt lại các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, tái lập các trạm kiểm soát dịch, yêu cầu các cơ sở bán thuốc cung cấp ngay thông tin những người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố, phường xã phải giám sát các pháo đài đó để tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ngăn chặn tình trạng bộc phát trở lại của dịch. Nếu lơ là chủ quan thì làn sóng sau bao giờ cũng nặng nề hơn làn sóng trước.
Ông Phong cho biết thêm, hiện TP vẫn đón người Việt về từ các nước đang có diễn biến dịch phức tạp. Khi về lập tức các cơ quan chức năng đưa đến nơi cách ly tập trung.

Rà soát chuyên gia nước ngoài, vận động khai báo y tế

Đối với tình trạng nhập cảnh trái phép, ông Phong cho biết Công an TP đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Trong đó, tăng cường phát hiện xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Từ 21-7 đến 2-8, Công an TP đã phát hiện 114 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, phần lớn mang quốc tịch Trung Quốc.
Về nguyên nhân thời gian này có nhiều người nhập cảnh trái phép, ông Phong đã chỉ ra lý do, trong đó có yếu tố Việt Nam đang được đánh giá là đất nước an toàn trong chống dịch COVID-19. Ngoài ra, sau giãn cách xã hội thì nhiều chuyên gia nước ngoài được giải quyết trở lại TP và không loại trừ người nước ngoài lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Từ đó, ông Phong cho biết UBND TP đã triển khai các giải pháp, yêu cầu Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu chế xuất- Khu công nghiệp rà soát tất cả các trường hợp chuyên gia nước ngoài, vận động họ tự khai báo y tế, tình trạng sức khỏe, hạn chế tiếp xúc đi lại, tự cách ly. Công an TP xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy