Chứng cứ bị tẩy xóa

Vụ vay nợ giữa chị L. và chị T. phải đưa ra tòa vì chị T. cho rằng mình không mượn nợ, còn bên kia trưng ra ba biên nhận được lập vào các ngày 15-8-2007, 22-8-2007 và 3-9-2007 thể hiện chị T. đã mượn 500 triệu đồng.

Tẩy xóa cũng không sao

Cuối tháng 11, TAND TP.HCM đã đưa vụ này ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, chị T. khăng khăng các biên nhận trên là giả mạo. Theo chị T., chị L. đã dùng những biên nhận khác có chữ ký của chị rồi tẩy xóa, sửa đổi ngày tháng, điền số tiền nợ vào.

Tòa đã nhờ Phân viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM giám định. Giám định xong, Phân viện kết luận toàn bộ ba biên nhận trên đều bị tẩy xóa, thay đổi. Cụ thể, ngày tháng nguyên thủy đọc được trên ba biên nhận đều khác với ngày tháng thể hiện khi đọc bình thường. Đồng thời nhiều chỗ bị tẩy xóa không thể giám định được nội dung nguyên thủy.

Chứng cứ bị tẩy xóa ảnh 1

Dù kết luận giám định là vậy nhưng HĐXX vẫn chấp nhận đây là chứng cứ chứng minh việc vay mượn 500 triệu đồng giữa chị L. với chị T. là có thật. Theo HĐXX, việc tẩy xóa thời gian trong biên nhận chỉ làm thay đổi về mặt thời điểm chứ không thay đổi về mặt thực tế chị T. có mượn tiền của chị L. Việc tẩy xóa không làm ảnh hưởng nhiều đến nội dung của biên nhận. Cuối cùng, tòa tuyên y án của TAND quận Bình Tân, tuyên buộc chị T. phải trả lại chị L. số tiền đã mượn.

Có được chấp nhận?

Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật tố tụng dân sự đã quy định chứng cứ là những gì có thật, là tài liệu đọc được. Vậy chứng cứ bị tẩy xóa có thể được tòa chấp nhận để làm căn cứ giải quyết vụ kiện hay không? Việc chấp nhận của tòa liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự, ảnh hưởng đến việc vận dụng quy định pháp luật trong hoạt động xét xử?

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, tài liệu chỉ được xem là chứng cứ khi nó đảm bảo phản ánh được sự thật khách quan và đọc được. Chứng cứ đã bị tẩy xóa thì không phản ánh được sự thật khách quan. Nó không thể xem là chứng cứ để giải quyết vụ án. Tòa nên loại bỏ những tài liệu này ra khỏi vụ án chứ không thể chấp nhận theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Nghị quyết số 04 ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) về chứng minh và chứng cứ đề cập chưa rõ về đường lối xử lý đối với tài liệu bị tẩy xóa. Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ nêu tài liệu không đọc được thì không được coi là chứng cứ, phần nào của tài liệu không đọc được thì không sử dụng phần đó. Trong trường hợp phần bị tẩy xóa mang tính chất quyết định toàn bộ tài liệu thì tài liệu đó không được coi là chứng cứ. Do quy định như vậy nên nhiều tòa đã chấp nhận chứng cứ bị tẩy xóa với lý do là không ảnh hưởng nhiều đến nội dung tài liệu. Trong khi một số tòa khác không chấp nhận.

“Theo tôi, tài liệu đã bị tẩy xóa thì tòa không nên chấp nhận đó là chứng cứ để giải quyết vụ án. Việc chấp nhận những tài liệu bị tẩy xóa làm chứng cứ sẽ khiến cho bản án không có tính thuyết phục bởi chứng cứ không khách quan, nhất là chứng cứ bị tẩy xóa theo hướng có lợi cho người cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp chứng cứ bị tẩy xóa là chứng cứ duy nhất của vụ án thì HĐXX nên đề xuất đương sự chứng minh bằng những chứng cứ khác” - ông Tiến nêu quan điểm.

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật...

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được...

Xác định chứng cứ: Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ...

(Trích các điều 81, 82, 83 Bộ luật Tố tụng dân sự)

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm