Cứ loay hoay cách ly, làm sao phục hồi kinh tế!

Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vẫn còn rất nhiều tỉnh, TP chưa thực thi các chính sách phù hợp, trong đó có vấn đề cách ly. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia bày tỏ bức xúc và lo ngại về thực trạng này.

Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở phường 12,
quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Có cơ chế, bài học nhưng không làm theo

Theo khảo sát, hiện Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long vẫn cách ly tập trung tất cả F0, thậm chí là F1. Nói về thực trạng này, PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM, bày tỏ ngạc nhiên: “Tôi không hiểu vì sao và dựa vào cơ sở nào để các địa phương tiếp tục cách ly tập trung F0, F1. Việc này giới chức y tế, các nhà khoa học, báo chí đã nói hết giấy, hết mực. Nếu các địa phương vẫn cứ loay hoay theo đuổi tư duy “zero COVID” như vậy, cách ly vô tội vạ như thế thì làm sao có thể thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch để phục hồi kinh tế như tinh thần và quy định ở Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Ông Đạt lý giải: Chúng ta hãy nhìn vào bài học từ TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Khi vaccine đã được phủ rộng, hạ tầng y tế cơ sở được nâng cấp, mô hình chăm sóc F0 cộng đồng đã đi vào hoạt động ổn định thì việc cách ly tập trung là rất vô lý.

Vị chuyên gia nói thêm: Một số tỉnh, thành nói rằng họ có đủ năng lực cách ly tập trung F0, F1 nên họ làm. Tuy nhiên, điều đó gây ra nhiều hệ lụy: (i) Vô hiệu hóa tác dụng của vaccine; (ii) gây lãng phí ngân sách đầu tư vào các khu cách ly; (iii) gây áp lực lên các nhân viên y tế. Lẽ ra họ cần được tổ chức để chăm sóc cho F0 cộng đồng, ngăn ngừa bệnh trở nặng thì nay họ phải vào khu cách ly với điều kiện sinh hoạt, y tế khó khăn. Chuyện này đã từng diễn ra ở TP.HCM.

“Điều mà tôi lo ngại nhất là COVID-19 rất kỵ tập trung đông. Mà cách ly tập trung thì sẽ ăn gần nhau, ngủ gần nhau, dùng chung nhà vệ sinh… Nhìn tỉ lệ ca nhiễm sẽ thấy đa số từ các khu cách ly và khả năng lây nhiễm chéo là có” - ông Đạt nói.

Liên quan đến việc Hà Nội quyết định cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú bảy ngày đối với người về từ các tỉnh, thành có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, ông Đạt cũng khẳng định là không cần thiết.

Theo ông Đạt, khi đã tiêm đủ vaccine và có xét nghiệm âm tính thì rủi ro lây nhiễm sẽ rất thấp so với lợi ích mang lại từ việc tự do đi lại để làm việc, sinh hoạt, du lịch… “Người tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn phải 5K, nhất là hạn chế tụ tập, phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Nếu vi phạm 5K hoặc cố ý giấu bệnh thì vẫn bị xử lý nghiêm, chứ cách ly bảy ngày dù tại nhà sẽ gây khó khăn cho người dân. Chúng ta đang khuyến khích dịch chuyển lao động, kích thích du lịch, kêu gọi chuyên gia… mà cách ly kiểu đó thì không ai dám đến” - ông Đạt nhấn mạnh.

 

Không để các tỉnh có tâm lý “làm theo Hà Nội”

Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan lớn của trung ương. Đó cũng là nơi Nghị quyết 128 cũng như các hướng dẫn của bộ, ban, ngành ra đời. Vậy nên, nếu Hà Nội vẫn quyết theo đuổi các quy định không phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước thì sẽ tạo ra tâm lý “làm theo Hà Nội” từ các địa phương khác.

PGS-TS NGÔ QUỐC ĐẠT

..........................

 Chính phủ cần quán triệt các tỉnh về Nghị quyết 128

Tôi nghĩ Chính phủ nên quán triệt quyết liệt hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 128 với các địa phương. Vấn đề nằm ở chỗ lãnh đạo địa phương có can đảm, có tự tin, có dám làm hay không mà thôi. Nếu có khó khăn thì cũng khắc phục theo tinh thần Nghị quyết 128 chứ không thể tự ý làm theo cảm tính, vì lo sợ mà quay lại “zero COVID”.

TS NGÔ MINH HẢI

Lãnh đạo phải mạnh dạn

Cần nhớ rằng Nghị quyết 128 đã có sự tham chiếu một cách bài bản và khoa học các khuyến nghị của giới chuyên gia y tế, kinh nghiệm quốc tế; khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); và quan trọng không kém là bài học từ nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM.

Ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 128 là tạo ra sự thống nhất ở tầm trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Tuy Nghị quyết 128 không mang tính “đồng phục” trong triển khai các giải pháp chính sách bởi lẽ điều kiện mỗi nơi mỗi khác nhưng dù địa phương có linh hoạt, sáng tạo như thế nào thì cũng không được trái lại với mục tiêu chung: Bảo vệ mạng sống con người và phục hồi, phát triển kinh tế.

TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, nhận xét: Nghị quyết 128 đã mở ra cơ chế thông thoáng để các địa phương thích ứng an toàn với dịch, từ đó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. “Tôi có trao đổi với một số doanh nghiệp. Có nơi họ xây dựng quy trình sản xuất để tất cả F0 đủ điều kiện vẫn được làm việc bình thường, vừa đảm bảo thu nhập, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch. Tôi nghĩ các địa phương cũng phải thực thi chính sách theo hướng đó” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc cách ly tập trung các F0, F1 hay cách ly người về từ các vùng dịch là không cần thiết, có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế. “Nghị quyết 128 đã nghiên cứu kỹ các vấn đề về dịch tễ, y tế và phát triển kinh tế. Trong đó có phân cấp độ dịch, các phản ứng tương ứng với cấp độ dịch, các tiêu chí để quyết định đến việc đi lại của người dân, vận tải hàng hóa, sản xuất và cung ứng sản phẩm… TP.HCM đã đúc kết các bài học trước đây, áp dụng Nghị quyết 128 và rõ ràng TP đang vận hành rất ổn, thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng TP mở cửa hơi rụt rè. Vì vậy, các địa phương khác không có lý do gì làm khác với nội dung Nghị quyết 128 đề ra” - ông Hải nhấn mạnh.

Ở khía cạnh kinh tế, vị chuyên gia này lý giải: Nếu cách ly F0 trong khi họ có thể tiếp tục sản xuất thì sẽ tạo gánh nặng lên doanh nghiệp và an sinh xã hội. Hiện nhiều nơi đang thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó phải hỗ trợ cho nhiều người thất nghiệp.

Tương tự, nếu cách ly mọi F1 thì ngoài thiệt hại đối với sản xuất còn gây lãng phí. Cần nhấn mạnh rằng F1 không nằm trong nhóm tiêu chí của Nghị quyết 128. Nếu cách ly người đến từ vùng dịch thì không ai dám đến địa phương khác đi làm, đi du lịch, vận chuyển hay mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu… Như vậy thì khi nào xã hội mới “bình thường mới” được? Rõ ràng, thiệt hại về kinh tế, đời sống tinh thần sẽ cao hơn nhiều so với rủi ro lây nhiễm bệnh tật.

Hà Nội lý giải đến giờ mới thí điểm cách ly F1 tại nhà

Sau công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, ngày 17-11, nhiều địa phương của TP Hà Nội đã rà soát, triển khai thí điểm việc cách ly F1 tại nhà cho các trường hợp đủ điều kiện.

Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay sở cũng đã hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương việc thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và điều trị F0 nhẹ ở hệ thống y tế cơ sở để đánh giá, triển khai rộng nếu đạt hiệu quả cao.

Về việc đến thời điểm này Hà Nội mới thí điểm cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho hay: Cách ly F1 tại nhà với Hà Nội là mới nên phải “thí điểm”. Vì ngay trong Công điện 23 của chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã nêu rõ việc này có thời gian cho đến khi có thông báo mới của TP.

Theo đại diện CDC Hà Nội, hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000-70.000 trường hợp F1. Chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, TP mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động. Việc địa phương quyết định áp dụng hình thức nào là tùy vào tình hình thực tế của mỗi nơi. TRỌNG PHÚ - HÀ PHƯỢNG

 Cách ly F1: Mỗi nơi mỗi khác

Bà Rịa-Vũng Tàu: Thí điểm cách ly F1 tại nhà từ tháng 8-2021, đến ngày 8-11 có văn bản thay thế, điều chỉnh việc cách ly F1. Từ ngày 25-11 cho F0 điều trị tại nhà có điều kiện.

An Giang: Cách ly F1 đã tiêm vaccine tại nhà, F1 chưa tiêm ở khu tập trung.

Đồng Tháp: Sở Y tế đề xuất cách ly F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà khi đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Y tế.

Cà Mau: Tháng 9-2021, thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đầu tháng 11-2021, thực hiện cách ly y tế F1 tại nhà sau khi sàng lọc, kiểm tra đủ điều kiện.

Bạc Liêu, Sóc Trăng: Cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện cơ sở vật chất, không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở chung nhà với người cách ly.

Trà Vinh: F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, đã tiêm đủ hai mũi hoặc một mũi vaccine sau 14 ngày... điều trị tại nhà, có nhân viên y tế hỗ trợ.

NHÓM PV MIỀN TÂY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm