Thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29-10, một số đại biểu băn khoăn về số lượng đại biểu chuyên trách, việc tìm kiếm người về làm Quốc hội.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói: Cán bộ được phân công về Quốc hội mà không đi là không được. Ảnh: NHƯ Ý
ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) nói Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định tỉ lệ ĐBQH chuyên trách tối thiểu là 35% mà mãi không phấn đấu đạt được. Ông Chương đồng ý Dự thảo luật sửa đổi lần này cứ giữ nguyên tỉ lệ 35%. Tuy vậy, ông Chương nêu rằng: “Tìm cán bộ chuyên trách cho Quốc hội rất khó. Nếu tìm được thì Quốc hội sẽ hoạt động tốt lên”.
ĐB Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) cũng đề nghị tăng cường đại biểu chuyên trách vì cần thiết. Ngay cả việc soạn thảo và thẩm tra dự luật này, theo ông Thanh, nếu không có các đại biểu chuyên trách thì rất khó rà soát những mâu thuẫn, tồn tại và cả những “lợi ích” của từng cơ quan.
Ông Thanh mong muốn những cán bộ ở các bộ, ngành sắp về hưu thì có cơ chế tăng độ tuổi, chính sách đãi ngộ để thu hút về làm đại biểu chuyên trách, chuyên gia hoặc cố vấn cho các ủy ban của Quốc hội.
ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau khi nêu những vấn đề chung của công tác tổ chức cho biết: “Chủ trương của Đảng là tăng đại biểu chuyên trách. Để đảm bảo chỉ tiêu này thì phải có cơ chế cụ thể. Các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm chỉ đạo, đảm bảo chỉ đạo ít nhất 35% chuyên trách”. Theo ông Chính, về quan điểm, chủ trương là rõ nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu trong hệ thống chính trị.
Ông Chính nói: “Các cấp ủy phải có trách nhiệm vì trách nhiệm này thuộc về cấp ủy và xác định rõ công tác cán bộ là của đảng. Thể chế chính trị chúng ta là như vậy”. Ông cho rằng cần phải nghiên cứu nâng cấp Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của Quốc hội. Vì công tác đại biểu còn có nhiều nhiệm vụ và Ban Công tác phải có chức năng xứng tầm với nhiệm vụ. Ban Dân nguyện cũng rất quan trọng vì “dân là gốc”.
Ông Chính cũng đồng tình phải nghiên cứu tăng đại biểu chuyên trách theo hướng sau khi những người hết công tác quản lý, có sức khỏe, chuyên môn tâm huyết lại mong muốn cống hiến thì tiếp tục làm đại biểu chuyên trách. Theo ông Chính, một đại biểu chia sẻ việc tìm người về làm chuyên trách Quốc hội là rất khó, có khi động viên một vụ trưởng về làm Quốc hội nhưng vụ trưởng đó từ chối và xin đừng quy hoạch mình về Quốc hội. Vị đại biểu này đã nhắc lại câu chuyện mà Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cũng như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga kể ở Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9-2019 để minh họa cho ý kiến của mình.
Hồi đó, ông Hải đặt vấn đề: “Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của QH họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về QH thì họ đều "xin đừng đưa em vào quy hoạch". Còn bà Lê Thị Nga thì cho biết "Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin 'đừng cho em vào', nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút".
Từ đó, ông Chính cho rằng: “Cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thái độ chấp hành phân công của tổ chức. Chứ nếu bảo phân về Quốc hội mà không đi thì không được”.