Đề xuất sửa toàn diện Bộ luật Hình sự 2015

Theo tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 lần này liên quan đến 141 điều của bộ luật, trong đó 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ một điều.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết con số 141 này “chưa phải đã hết”. Qua rà soát, Bộ Công an phát hiện khoảng 30 vấn đề (có thể liên quan đến hàng trăm điều của BLHS 2015) cần sửa đổi nữa.

Chánh án TAND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng không nên vội vàng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 tại kỳ họp này. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Tờ trình của Chính phủ nghiêng về phương án thứ nhất, thông qua trong kỳ này và sửa đổi một số điều nhưng tôi cho rằng nên nghiêng về phương án thứ hai mà tinh thần chung là cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện BLHS năm 2015” - ông Lâm nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng vai trò của BLHS quá quan trọng, nên “cẩn trọng” để bộ luật hoàn chỉnh phải là yêu cầu cao nhất. “Làm sao hạn chế phát sinh những vấn đề có thể dẫn đến những nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau. Đây là điều hết sức tránh bởi BLHS ảnh hưởng đến con người, không chỉ là vấn đề kinh tế, sở hữu, tài sản mà cả vấn đề danh dự, tính mạng của họ” - vị đại biểu Quốc hội TP.HCM nói.

Ông Trí cho biết thêm qua rà soát, VKS phát hiện khoảng 150 điều luật cần sửa đổi, bổ sung. “Cũng có ý kiến nói nhiều vấn đề trong số này không lớn, có thể hướng dẫn bằng thông tư, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hay án lệ. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, thông tư liên ngành không thể can thiệp vào nội dung, chỉ hướng dẫn thủ tục nên chuyện sửa không có nhiều, mà hướng dẫn chi tiết cũng bị hạn chế” - ông Trí nói.

Theo viện trưởng VKSND Tối cao, việc sửa BLHS 2015 nếu có chậm lại cũng không phải vấn đề “quá gay gắt” bởi chúng ta vẫn đang áp dụng BLHS 1999 và những điều có lợi cho bị can, bị cáo theo quy định của BLHS 2015.

“Quan điểm của VKS là khẩn trương nhưng nếu vì vậy mà không đạt được kết quả tốt thì không nên” - ông Trí nhấn mạnh.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu có nhiều cái sai, mà chúng ta không sửa đến nơi đến chốn thì khó khăn trước hết thuộc về tòa án, vì tòa căn cứ vào điều nào để xử cũng được. Sau đó đến người dân căn cứ vào điều này cũng kháng nghị được, điều kia cũng kháng nghị được thì án sẽ kéo dài và tòa án xét xử không có chuẩn mực.

Theo ông Bình, việc sửa BLHS lần này liên quan đến quyền con người, trật tự kỷ cương của đất nước đồng thời cũng liên quan đến nhiều bộ luật khác nên sửa càng kỹ càng tốt. “Tôi đồng tình không nên vội vàng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 trong kỳ họp này. Ngoài các lý do mà Ủy ban Tư pháp nêu, còn lý do là 2/3 đại biểu Quốc hội kỳ này là mới, chưa tiếp cận được với bản cũ của BLHS mà Quốc hội đã thông qua, nếu bấm nút thông qua thì rất rủi ro. Gần 500 đại biểu chúng ta phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc thông qua BLHS này thì phải tiếp cận một cách thấu đáo” - chánh án TAND Tối cao nói.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cũng đề nghị sửa đổi toàn diện BLHS 2015, không hạn chế về nội dung, không hạn chế về thời gian, “nếu không Quốc hội và chúng ta sẽ rất mang tiếng nếu sai lần thứ hai”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm