EVFTA tạo đà cải cách thể chế ở Việt Nam

Chiều 14-2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA): Hành trình một thập niên nỗ lực không ngừng nghỉ. Cuộc tọa đàm tổ chức ngay sau khi các văn kiện thương mại quan trọng giữa Việt Nam (VN) và EU vừa được Nghị viện châu Âu thông qua.

Phiên đàm phán gay cấn nhất

Với việc tham gia EVFTA, bên cạnh những cơ hội mới mở ra thì cũng phải đương đầu với không ít thách thức. Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thách thức đầu tiên là năng lực cạnh tranh vì EU là một thị trường lớn, khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng cơ cấu kinh tế của ta với EU mang tính bổ sung rất cao nên dù có một số mặt hàng cạnh tranh cao nhưng về cơ bản vẫn mang tính bổ sung.

Nhớ lại những giai đoạn khó khăn trong quá trình đàm phán, ông Lương Hoàng Thái, thành viên của đoàn đàm phán, chia sẻ giai đoạn đàm phán khó, gay cấn nhất. Đó là khi kết thúc đàm phán, EU yêu cầu tách EVFTA ra làm hai hiệp định, là hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư, để đưa về cho các nước thành viên phê chuẩn.

“Lúc đó có nhiều người mệt mỏi nhưng cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm cao nên cuối cùng kết quả cũng thành công như mong đợi. Đặc biệt, EVFTA của ta chính là hiệp định đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển” - ông Thái chia sẻ.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), dù không trực tiếp tham gia đàm phán nhưng là người luôn luôn sát cánh cùng đoàn đàm phán. Ông Lộc cho biết trong hành trình có giai đoạn rất khó khăn, bị chững lại, nhất là giai đoạn chuyển sang quá trình phê chuẩn hiệp định. Vì các nghị sĩ châu Âu rất khó tính, yêu cầu về nhân quyền, môi trường lao động rất cao.

“Tôi nhớ có lúc căng thẳng, hai bên dường như chững lại. Họ nói khi VN áp dụng chuẩn mực lao động thấp hơn các nước có nghĩa là cạnh tranh không bình đẳng. Các nghị sĩ châu Âu không chấp nhận sự không bình đẳng đó” - ông Lộc nhớ lại.

Tọa đàm EVFTA: Hành trình một thập niên nỗ lực không ngừng nghỉ. Ảnh: NHẬT BẮC

Ông Lương Hoàng Thái,  Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Mở đường cao tốc về thể chế

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đó là lợi ích to lớn về mặt chi phí khi thuế quan không có.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tận dụng được tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại cũng là hành trình rất gian nan. Lý do là hiệp định yêu cầu VN phải đáp ứng được quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, hiện nay nguyên liệu sản xuất hàng hóa của VN lại chủ yếu ở Trung Quốc và ASEAN, không phải từ EU.

Ông Lương Hoàng Thái đánh giá EVFTA là dấu mốc quan trọng, chuyển từ giai đoạn đi sau sang giai đoạn chúng ta đi đầu xây dựng thiết chế mới về tiến trình hội nhập quốc tế.

“Đặc biệt, sự kiện này ghi lại dấu ấn chuyển từ giai đoạn EU dành cho VN ưu đãi đơn phương, thông qua chế độ thuế quan phổ cập chung đơn phương dành cho những nước có trình độ phát triển kém, sang thành quan hệ song phương, bình đẳng cùng có lợi thông qua một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao” - ông Thái cho biết. 

Thứ hai là hàng rào kỹ thuật, quy định vệ sinh dịch tễ rất cao, không phải doanh nghiệp (DN) VN nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Thứ ba là các nước sẽ dựng lên các biện pháp phòng vệ thương mại, vượt qua được cũng không đơn giản. Cuối cùng là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm DN hàng hóa của ta.

Ông Lộc cho rằng yếu tố quan trọng nhất là năng lực cạnh tranh của VN ở mức trung bình trên thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì VN phải cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thể chế, thủ tục kinh doanh cho DN.

“Chúng ta mở cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta cũng phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với DN. Mở con đường cao tốc để thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở VN. Đây là điều mà Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính” - ông Lộc nói.

Một vấn đề cũng rất quan trọng được ông Lộc đưa ra là chất lượng nguồn nhân lực. VN được thế giới đánh giá có nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp kèm theo chất lượng chưa cao. Ngoài ra, theo ông Lộc, vẫn còn những vấn đề khác cần tiếp tục được tháo gỡ, như vấn đề cơ sở hạ tầng. Dù VN cố gắng rất nhiều nhưng chưa có hệ thống pháp luật bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các bên cũng khiến VN rất khó tận dụng được cơ hội đang mở ra. Các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần tập trung vào xây dựng thể chế. Gỡ được rồi thì DN sẽ hăng hái kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư.

Khi nào EVFTA có hiệu lực?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2020 thì dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ ngày 1-7-2020, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

Theo ông Trần Tuấn Anh, EVFTA sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế và các DN VN. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, bộ trưởng cho rằng DN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do EVFTA đem lại.

NAM GIANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm