Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Giảm đối tượng ưu tiên và thu phí cả taxi?

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận về chủ trương thực hiện xây dựng hệ thống cổng kiểm soát thu phí tự động vào khu vực quận 1, 3 nhằm hạn chế kẹt xe, từng bước kiểm soát xe cá nhân, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư trở lại cho hạ tầng, phát triển giao thông của TP.

Đơn vị được giao nghiên cứu, lập báo cáo khả thi dự án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm là Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất “gom” và chia các loại xe ô tô thành hai nhóm là xe ô tô từ bảy chỗ trở xuống và các loại còn lại. Mức thu phí đề xuất lần lượt là 30.000 đồng/lượt và 50.000 đồng/lượt.

Khuyến cáo “không có ngoại lệ”

ITD kiến nghị ngoại trừ xe máy, xe buýt, xe an ninh chuyên dùng, xe quốc phòng và xe công thì tất cả các loại xe ô tô còn lại khi vào “vùng hạn chế” buộc phải đóng phí. Tuy nhiên, điều này tạo ra nhiều ý kiến băn khoăn. Cụ thể, khi góp ý về vấn đề này, Công an TP đề nghị có cách giải quyết cho những người dân thường trú trong khu vực thu phí hằng ngày có nhu cầu đi lại, ra vào nhà mình nhiều lượt. Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực thu phí cũng phải được tính đến. Tương tự, ông Nguyễn Lê Thịnh Đức (Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3) băn khoăn: “Nhà tôi ở Lý Thái Tổ (quận 3) nhưng xe ô tô gửi ở Nhà khách Chính phủ (quận 1). Do nhu cầu đi lại và công việc tôi phải ghé qua nhà nhưng chỉ đi vòng một đoạn mà bị “quất” một phát thì quả là hơi… “đau”. Nếu thu phí thì nên tính toán lại và có những hình thức ưu tiên, hỗ trợ cụ thể cho những người ở khu vực thu phí”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Nam ở khu vực gần Ga Sài Gòn (quận 3) lại cho rằng thu phí là một biện pháp tổng thể đối với những người đi ô tô. “Nếu ngại bị thu phí thì đừng đi ô tô mà nên chọn phương tiện khác. Việc thu phí khiến những người ở ngoài vào trung tâm cân nhắc thì tương tự, người ở khu vực trung tâm cũng phải cân nhắc trong việc lựa chọn phương tiện đi lại mới đảm bảo công bằng” - ông Nam nói.

Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Giảm đối tượng ưu tiên và thu phí cả taxi? ảnh 1

Taxi chiếm chưa đến 0,05% trong tổng số ô tô trên địa bàn nhưng trên nhiều tuyến đường lượng taxi chiếm tỉ lệ áp đảo. Ảnh: MP

Theo ITD, đơn vị tư vấn quốc tế đã nhiều lần khuyến cáo cần giảm tối thiểu số đối tượng ưu tiên. Bởi càng nhiều loại ưu tiên thì giải pháp càng phức tạp, dễ gây tranh cãi. Những người ở trong vùng thu phí chỉ bị thu lượt về (vào trung tâm, về nhà) chứ không phải đóng phí cho lượt đi (khỏi trung tâm). Điều này sẽ công bằng đối với các chủ xe ở ngoài trung tâm, phải đóng phí lượt đi nhưng được “miễn” lượt ra (khỏi trung tâm). “Để hạn chế bị thu phí, chủ xe có thể lựa chọn các phương tiện vận tải công cộng để di chuyển. Đây là một trong các mục tiêu của dự án. Mặt khác, việc quyết định hình thức ưu tiên hay miễn, giảm cho từng đối tượng cụ thể sẽ do UBND TP đề xuất để HĐND TP phê duyệt” - ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Tiên Phong, nói.

Chưa rõ “số phận” taxi

Mục đích của đề xuất lần này nhằm hạn chế ùn tắc khu vực trung tâm và các trục giao thông chính kết nối với trung tâm, đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, ITD đề xuất thu phí luôn đối với xe taxi.

Trong khi đó, dường như Sở GTVT TP.HCM vẫn chưa có “chính kiến” cụ thể đối với taxi, xem đây là “phương tiện công cộng” hay là phương tiện thông thường của các hãng taxi hoạt động vì lợi nhuận của riêng các hãng này. Cụ thể, trong các báo cáo về việc người dân TP sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Sở GTVT đã cộng luôn sản lượng của taxi để cho ra tỉ lệ (hiện gần 7,5%) người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Theo lẽ thường, đã là phương tiện giao thông công cộng thì phải có chính sách hỗ trợ để nâng chất lượng phục vụ, tăng đầu xe… để “phấn đấu đáp ứng 15% nhu cầu đi lại vào năm 2015, 30% vào năm 2020” (kế hoạch của ngành vận tải hành khách công cộng TP - NV).

Ngược lại, có ý kiến cho rằng lĩnh vực taxi là hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận của các hãng taxi. Yếu tố “công” ở đây chỉ là nhiều người chứ giá cước taxi thuộc loại cao thì không phải “công cộng” như xe buýt. Cũng vì quan điểm này và thực trạng taxi phát triển quá nhanh, trên cơ sở kiến nghị của Sở GTVT, UBND TP đã yêu cầu khống chế số lượng xe taxi. Chính vì chưa có sự thống nhất trên nên có nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất thu phí đối với cả xe taxi.

Tuy nhiên, TS Khuất Việt Hùng, người lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho ITD, cho rằng nếu thu phí hạn chế ô tô vào trung tâm thì nên thu cả taxi. “Tính tất cả các loại xe taxi đang hoạt động độ khoảng 20.000 chiếc, chỉ chiếm khoảng 0,05% lượng xe ô tô ở TP. Tuy nhiên, tần suất sử dụng xe taxi rất cao, có những tuyến đường xe taxi chiếm gần phân nửa lượng xe trên đường. Thu phí là “đánh” vào người đi để họ cân nhắc, lựa chọn loại phương tiện đi lại. Ngoài ra, thu phí đối với cả taxi thì TP không phải lo lắng nhiều về việc hạn chế, khống chế lượng taxi như đang thực hiện” - ông Hùng nhận xét.

ITD đề xuất không thu phí đối với xe công nhưng theo quan điểm của TS Khuất Việt Hùng thì không nên miễn bởi khi thu phí thì tiền của Nhà nước được thu và nộp về lại cho Nhà nước và sẽ phải thực hiện theo thủ tục nhất định, tránh được hành vi lạm dụng xe công vào mục đích riêng, góp phần minh bạch hóa vấn đề sử dụng xe công. Những loại xe nào được ưu tiên, biện pháp ưu tiên tùy thuộc vào quyết định của TP.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm