Thủ tướng: Xử lý nghiêm những địa phương phá rừng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2017 có nhiều thách thức khi đất nước liên tục đối mặt với thiên tai nhưng kinh tế phát triển vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu rau, củ quả vượt dầu thô.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nông dân nước ta chiếm 70% dân số, lao động chiếm trên 42%, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, chứng tỏ năng suất nông nghiệp thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước.

Ngoài ra, một số địa phương còn lơ là trong chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn: “Tại sao khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế? Có đối thoại với dân không? Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi chúng ta chứ không phải tự hỏi người dân đâu. Đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác bảo vệ tài nguyên rừng, đất rừng, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những địa phương nào không quản lý tốt đất đai rừng, phá rừng.

Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng không phải huy động người dân góp tiền làm đường là đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu nông thôn mới là nâng cao đời sống người nông dân.

Để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chú ý đến đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, thực hiện tốt phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả".

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm