TP.HCM lấy góp ý cho dự thảo chỉ thị về điều chỉnh phòng chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có văn bản 3186 liên quan đến việc góp ý dự thảo chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội TP.HCM từ 0 giờ ngày 1-10, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng dự thảo chỉ thị của Chủ tịch UBND TP về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

UBND TP đề nghị các bí thư, chủ tịch UBND các quận huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào dự thảo chỉ thị, gửi góp ý về Văn phòng UBND TP.HCM trước 15 giờ ngày 27-9 để tiếp thu, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Lãnh đạo TP đã thống nhất chủ trương sẽ tháo gỡ hàng rào, dây nhợ, kẽm gai ở các tuyến đường từ nay đến 30-9 nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát ở cửa ngõ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra vào TP.HCM

Theo dự thảo chỉ thị này, từ 0 giờ ngày 1-10, TP.HCM dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

TP.HCM sẽ tháo gỡ các rào chắn, nhưng vẫn duy trì 12 chốt kiểm soát ra vào TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Dự thảo chỉ thị có một số điểm đáng chú ý sau đây.

Đối với hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông, TP.HCM tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra/vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. TP bố trí chốt kiểm soát lưu động và tăng cường kiểm soát lưu động tại điểm giao thông mật độ cao.

Đảm bảo hoạt động lưu thông giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động; đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh.

Người cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, có sử dụng công nghệ (shipper), đã đăng ký với Sở GTVT hoặc Sở Công Thương và người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Nhóm này được hoạt động với điều kiện tiêm đủ liều vaccine; hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; hoặc được xét nghiệm định kỳ.

TP.HCM phối hợp với các địa phương tổ chức việc đi lại cho các nhóm ưu tiên gồm công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh...

TP.HCM kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cho phép 7 nhóm sản xuất, kinh doanh được hoạt động

TP.HCM cho phép được tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được tập trung tối đa 50 người.

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có thẻ xanh COVID-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trên các lĩnh vực.

Cụ thể 7 nhóm được hoạt động:

- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận huyện và TP Thủ Đức.

- Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

- Công trình giao thông, xây dựng.

- Hoạt động thương mại, kinh doanh và dịch vụ với 11 nhóm hoạt động, như các hoạt động khám chữa bệnh; cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng, hoá chất; dịch vụ công ích; tổ chức tín dụng; bưu chính, viễn thông; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất...

- Các địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật: Sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức...

Hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được hoạt động tối đa 50 người.

- Tổ chức đám cưới tối đa 50 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

- Tổ chức đám tang tối đa 20 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Đối với hoạt động giáo dục, TP.HCM tiếp tục dạy học trực tuyến. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

UBND TP cũng đề nghị người dân được yêu cầu thực hiện 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.

Hai nhóm đủ điều kiện lưu thông gồm: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày). Người dân quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy...).

Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh khi có yêu cầu của cơ quan y tế hoặc khi có triệu chứng (ho, sốt, khó thở...). Khi người dân có triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc tổng đài cấp cứu 115.

Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ các tổ an sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. 

Quán bar, spa, massage tiếp tục tạm dừng hoạt động

Theo dự thảo chỉ thị mới, các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm:

- Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

- Sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động.

- Hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

- Bán hàng rong, vé số dạo.

- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác, trừ các trường hợp được cho phép.

Tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều 26-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết TP.HCM đang chuẩn bị một chỉ thị mới, dự kiến ban hành và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1-10.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết lộ trình tháo gỡ rào chắn ở TP sau ngày 30-9 cũng đang được dự thảo. Sở cũng đang tham mưu cho UBND TP về tổ chức giao thông trong TP và giao thông liên vùng sau ngày 1-10. Riêng đối với vấn đề lưu thông liên vùng cần có ý kiến của các địa phương khác.

Trước đó, tại chương trình tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức với chủ đề “Kế hoạch phục hồi kinh tế TP.HCM trong giai đoạn bình thường mới” hôm 25-9, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết lãnh đạo TP đã thống nhất chủ trương sẽ tháo gỡ hàng rào, dây nhợ, kẽm gai ở các tuyến đường từ nay đến 30-9, nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát ở cửa ngõ.

“Chúng ta sẽ xóa ngay hàng rào trước ngày 30-9, để bước sang ngày 1-10 sẽ có một hướng mới. Song, những cửa ngõ TP.HCM vẫn còn các chốt chặn, để đảm bảo sự an toàn chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Ngân nói.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết kế hoạch sắp tới của TP.HCM là kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Do đó, các rào chắn cứng sẽ bỏ, thay vào đó cơ quan chức năng kiểm tra, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên để xử lý chứ không duy trì hàng rào nữa.

“TP.HCM sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên, ví dụ khi vào siêu thị, nhà hàng nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt cả cá nhân và chủ doanh nghiệp, hoặc ở nhà máy không làm đúng theo các tiêu chí sẽ phạt người lao động và chủ nhà máy” - ông Vũ nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm