Vụ án bầu Kiên: Các bị cáo phản đối cáo trạng

Ngày 20-5, HĐXX TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi nghe đại diện VKS công bố cáo trạng, với cùng một câu hỏi: “Nhận thức chủ quan của bị cáo đối với bản cáo trạng”, chỉ duy nhất một bị cáo thừa nhận việc truy tố là đúng người, đúng tội.

Bầu Kiên đề nghị mời nhiều cơ quan dự tòa

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, bầu Kiên đề nghị HĐXX mời đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… tới tòa vì đây là những cơ quan có liên quan đến vụ việc của bị cáo. Bị cáo cũng đề nghị mời đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vì “vụ án không chỉ liên quan đến tôi mà còn liên quan đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác”.

Bầu Kiên cũng đề nghị tòa mời bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, như một nhân chứng.

Cũng theo ông Kiên, có một số tài liệu quan trọng đã bị bỏ ngoài hồ sơ, bị cáo này từng có đơn đề nghị thay đổi điều tra viên; vụ án cũng thiếu nhiều nhân chứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử vụ án.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN

“Tôi là công dân, tôi tin tưởng vào pháp luật, vào chính sách của Nhà nước nên đã kinh doanh 30 năm nay. Tôi khẳng định mình không vi phạm pháp luật, đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho tôi được trình bày đầy đủ ý kiến của mình tại tòa; đồng thời cho tôi được nhận các văn bản pháp luật từ luật sư. Hai năm nay, tôi không được nhận bất cứ văn bản nào. Hết phiên tòa tôi sẽ trả lại” - ông Kiên nói.

Bầu Kiên nói thêm: “Tôi bị bắt 21 tháng nay, chưa được gặp gia đình dù lãnh đạo VKSND Tối cao đã cho phép tôi được gặp gia đình. Đây là quyền tối thiểu của tôi. Đề nghị HĐXX cho phép tôi gặp gia đình và các luật sư của tôi trong quá trình xét xử. Việc tôi mặc thường phục là quyền của tôi nhưng khi cho tôi mặc thường phục lại cùm chân tôi, đây là việc làm không cần thiết…”.

ACB khẳng định không thiệt hại

Theo cáo trạng, ngày 22-3-2010, Thường trực HĐQT ngân hàng ACB (gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải) có nghị quyết thông qua chủ trương liên quan đến việc kinh doanh của ACB. Thực hiện chủ trương nói trên và chủ trương của bầu Kiên, Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền gần 719 tỉ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt.

Cáo trạng nhận định nghị quyết nói trên của Thường trực HĐQT ACB được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Hành vi của các bị cáo trên đã vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho ACB số tiền 719 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cáo trạng cũng nhận định, ngoài số tiền gần 719 tỉ đồng gửi vào VietinBank, từ ngày 26-1 đến ngày 22-9-2011, ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.000 tỉ đồng và 71 triệu USD.

Số tiền gửi VND thu được lãi trên 1.162 tỉ đồng, trong đó số lãi vượt trần là 243 tỉ đồng. Số tiền gửi USD thu được lãi là trên 1,2 triệu USD (không có lãi vượt trần). Số tiền lãi này đã được ACB hạch toán, trích nộp thuế theo quy định và không gây thiệt hại về tài sản cho ACB nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng ACB cho rằng đến giờ phút này ACB không có thiệt hại trong vụ án. ACB cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và khẳng định mình không phải nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

Cuối giờ làm việc buổi chiều, HĐXX bắt đầu phần xét hỏi nhóm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

ĐỨC MINH

 

Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá

Cuối giờ làm việc buổi sáng, sau khi hội ý, chủ tọa Nguyễn Hữu Chính đã công bố quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với cựu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá do ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo. Vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết khi căn cứ tạm đình chỉ không còn (tức sức khỏe ông Giá được cải thiện). Vì thế chiều cùng ngày, đại diện VKS đã rút phần truy tố đối với ông Giá.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, người bào chữa cho hai bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang, cho rằng ở nhóm tội cố ý làm trái, ông Giá cùng các bị cáo khác trong HĐQT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy việc tách ông Giá ra sẽ gây nhiều khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan trong mối quan hệ giữa các bị cáo với nhau về tội cố ý làm trái. Việc tách ông Giá ra sẽ rất bất lợi cho các bị cáo còn lại. “Tốt nhất, để bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo khác trong vụ án này, tòa nên trả hồ sơ để cơ quan điều tra tách vụ án cố ý làm trái ra khỏi ba tội kia, xử một vụ án độc lập” - luật sư Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm