Theo Healthline, mặc dù rau mầm có nhiều giá trị dinh dưỡng những rau mầm có thể chứa vi khuẩn có hại.
Rủi ro khi ăn rau mầm
Nguyên nhân được tờ Healthline chỉ ra là do hầu hết các loại rau mầm đều được trồng trong môi trường ấm áp, độ ẩm cao, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn phát triển như vi khuẩn có hại E.coli, salmonella...
Khi trồng rau mầm, nếu đất, rơm, xơ dừa… không được tiệt trùng để diệt vi khuẩn, nấm mốc và ở trong môi trường nóng ẩm, ít nắng sẽ là nguy cơ làm cho rau mầm nhiễm nấm mốc, vi khuẩn có hại phát triển.
Chưa kể, môi trường đất, nước để gieo hạt mầm và tưới hạt mầm nếu chứa nhiều kim loại nặng hoặc nitrat cao cũng có thể gây độc khi ăn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm cũng nhìn nhận, rau mầm có thể khiến người ăn bị ngộ độcnếu quá trình trồng hoặc rau không đảm bảo. Nguồn nước, đất hoặc giá thể không đảm bảo. Ngoài ra nếu người trồng sử dụng hạt mầm có tẩm hóa chất hoặc quá trình trồng sử dụng dung dịch kích thích tăng trưởng để tưới thì khi rau lên mầm, nảy lá các chất này vẫn sẽ tồn đọng (do thời gian thu hoạch ngắn ngày, hóa chất chưa kịp phân hủy) và có thể gây ngộ độc khi ăn.
Chính vì thế, muốn trồng rau mầm phải chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.
Ăn rau mầm đúng cách
Theo tờ Timesofindia, để đảm bảo an toàn khi sử dụng rau mầm, trước khi sử dụng người dân nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng từ 10 - 15 phút.
Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người có miễn dịch yếu càng không nên ăn sống.
Bạn có thể xào chúng với ít dầu ăn để tăng hương vị cho món ăn”- tờ Timesofindia gợi ý.
Ngoài ra trong rau mầm sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên người bình thường chỉ cần ăn lượng rau mầm nhỏ bằng 1/10 – 2/10 so với lượng rau khuyến nghị của người trưởng thành (500 g rau/ngày/người trưởng thành).