Nếu như những con bọ cánh cứng như cánh cam, bọ hung, kẹp kìm, kiến vương... thường gợi nhớ đến vùng quê và khung trời tuổi thơ thì ngay giữa TP nhiều bạn trẻ vẫn ấp ủ được vùng trời cho riêng mình bằng cách chơi bọ cánh cứng.
Thay vì dành thời gian vùi đầu vào game, nhiều bạn bỏ công sức ra nuôi một con bọ từ lúc còn là ấu trùng đến khi trưởng thành. Nếu chẳng may bọ chết hoặc hoàn thành vòng đời rồi chết sẽ được các bạn xử lý thành tiêu bản.
Học lớp 10 Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao (quận 1, TP.HCM), Nguyễn Bình Phương Nguyên có trong tay bộ tiêu bản bọ cánh cứng đáng nể. Nguyên cho biết bắt đầu nghiên cứu chơi bọ từ hơn hai năm trước khi tình cờ được bạn giới thiệu về hội bọ cánh cứng trên Facebook.
Tìm hiểu thêm, Nguyên được biết thú chơi bọ phát triển rất mạnh ở các nước như Nhật, Hàn Quốc. Nguyên chia sẻ: “Trước khi chơi bọ, em dành mỗi ngày 4-5 tiếng để chơi game, nhiều khi bỏ cả bữa cơm. Từ khi chơi bọ, em cảm thấy rất say mê khi được chứng kiến một con bọ từ lúc còn là ấu trùng đến khi trưởng thành”.
Tiêu bản bọ cánh cứng Hercules (không có ở Việt Nam) được mệnh danh là loại bọ cánh cứng to nhất thế giới khi kích thước cực đại có thể lên đến 17 cm được người thân của Nguyên gửi về từ Mỹ. Một con bọ sống có giá từ 9 triệu đồng, tiêu bản giá 3-4 triệu đồng.
Cuối tuần, Nguyên thường tụ tập với các bạn có cùng thú chơi ở quán cà phê hoặc ngoài công viên để chia sẻ kinh nghiệm nuôi bọ hoặc cho những con bọ đấu giáp lá cà với nhau. Thái Thịnh, học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM), chia sẻ: “Nuôi bọ cánh cứng không khó, mỗi ngày chỉ dành ra khoảng nửa tiếng cho ăn, làm ẩm đất. Thức ăn tùy loại bọ, thường là mía, nhãn, chôm chôm, chuối, rau câu. Còn ấu trùng thường ăn gỗ”. Bọ được đặt trong những hộp nhựa có nắp đậy, trong có chứa các loại mùn cưa, đất trồng cây.
Thức ăn của bọ thường là mía, chôm chôm, chuối, rau câu. Trong ảnh là kiến vương hai sừng được nuôi phổ biến và có thể tìm thấy ở các vùng quê Việt Nam.
Thịnh kể ban đầu thú chơi bọ không được ba mẹ ủng hộ vì thấy dơ. Nhưng dần dần thấy đó là thú chơi lành mạnh nên ba mẹ cũng ủng hộ.
Vào khoảng thời gian khi được nghỉ hè, nhóm bạn lại rủ nhau đến các vùng ven như quận 9, Bình Chánh, Thủ Đức... để tìm ấu trùng bọ (thường là kiến vương một sừng, hai sừng và kẹp kìm nhỏ chelifer) đem về nuôi. “Ấu trùng thường xuất hiện trong những cây gỗ mục, còn bọ trưởng thành thường trú ở trong cây nhãn, chuối.... Biết vậy nên tìm bắt không quá khó khăn”.
Nguyên cho biết sở dĩ thích sưu tầm tiêu bản côn trùng vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp, hình thù mạnh mẽ đầy màu sắc của chúng. Người chơi không biết cách nuôi sẽ không làm cho bọ sinh sản được hoặc có ra kén cũng không nở thành bọ. Nguyên và nhóm bạn thường trao đổi kinh nghiệm nuôi bọ với các bạn nước ngoài và dành dụm tiền nhập các loại bọ ngoại để nuôi, nhân giống và cũng để làm phong phú cho bộ sưu tầm tiêu bản.
Sau đây là một số hình ảnh về bọ cánh cứng và bộ sưu tập tiêu bản của các bạn trẻ:
Ấu trùng (trắng) được bắt ở ngoại thành, khi lớn lên sẽ thành kiến vương một sừng (màu đen).
Thái Thịnh với bộ sưu tập tiêu bản bọ ngoại của mình.
Bộ sưu tập bọ đáng ao ước (chủ yếu nhập về từ nước ngoài) của bạn Nguyên.
Sau khi tiêm cồn vào trong bụng, Nguyên dùng kim ghim cố định hình dáng con bọ rồi phơi phô từ 4-6 ngày để làm tiêu bản.
Bọ hoa Goliath được mệnh danh là loại bọ hoa to nhất thế giới (phân bố ở châu Phi).
Bên trái là loài kẹp kìm nhỏ chelifer có tuổi thọ bốn tháng được làm tiêu bản sau khi chết, loài này khá phổ biến tại Việt Nam. Bên phải là cánh cam sừng (Kibakoganea fujiokai) được tìm thấy ở Lâm Đồng.
Nuôi một con bọ từ lúc còn là ấu trùng đến khi trưởng thành, sinh nở là thú vui của nhiều bạn trẻ.
Bọ hung ủi phân dễ dàng tìm thấy ở Việt Nam cũng được các bạn trẻ ưa thích.
Kẹp kìm được các bạn trẻ nuôi phổ biến vì dễ tìm thấy ở các vùng quê Việt Nam.
Các bạn trẻ cuối tuần tụ tập chia sẻ kinh nghiệm nuôi bọ.