Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc trung tâm, cho biết năm 2018 nơi đây đã thu được hơn 100 tỉ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Trong đó, tiền chi trả tác quyền quốc tế là hơn 2 tỉ đồng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 12-2018, tổng số thành viên VCPMC cả nước đã ủy quyền 3.988 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tăng 239 tác giả so với năm 2017. Hiện trung tâm đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Liên minh quốc tế các hiệp hội của những tác giả nhạc và lời.
Trong bảng chi tiết thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc năm 2018, có thể thấy nguồn thu lớn nhất là từ website, ứng dụng nhạc với khoảng 37 tỉ đồng; karaoke, phòng thu âm đứng thứ hai hơn 10 tỉ đồng; phát thanh, truyền hình hơn 8 tỉ đồng. Tính đến thời điểm này trung tâm cũng chỉ mới tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả được gần 57 tỉ đồng trong số gần 104 tỉ đồng thu được.
Về thông tin trung tâm trốn thuế để ăn chia lợi nhuận, ông Cẩn cho biết: “Tôi không hiểu căn cứ ở đâu ra để nói VCPMC trốn thuế. Từ khi hoạt động năm 2002 đến nay, chúng tôi đã đóng đến hơn 70 tỉ đồng tiền thuế”. Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng bày tỏ: “Trung tâm đã hoạt động được một thời gian dài và có những thành tích rất đáng kể. Dù có chuyện này kia thì tất cả đều là phục vụ cho mục đích bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chứ không có lợi ích nhóm”.
Để minh bạch chuyện thu chi tác quyền, trung tâm đang xây dựng một website công bố toàn bộ thông tin thu chi cũng như các thông tin về hợp đồng của gần 4.000 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là hội viên VCPMC. Website dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 2-2019.