Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Trường CĐ Sư phạm Gia Lai vút lên như một ngôi sao trên bầu trời giáo dục vốn đang loay hoay “tỏa sáng” vì hàng loạt sai phạm nâng khống điểm.
Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, nơi "tạo sóng" dư luận vì cách xét tuyển kỳ lạ. Ảnh: plo.vn
Theo đó, trường này đã thực hiện một động tác khác thường (nhưng đúng luật) là nâng điểm trúng tuyển ngành sư phạm ngữ văn lên cao vút (23 điểm, so với nhiều ngành khác dưới 20 điểm). Trong trường hợp này, mục tiêu của hội đồng tuyển sinh là… đánh trượt thí sinh!
Lý do rất “ngôi sao”, lãnh đạo trường này nói rằng ngành sư phạm ngữ văn chỉ có rất ít thí sinh đăng ký, hơn nữa lại là nguyện vọng (NV) 1. Có thí sinh đạt điểm thi 22,5 điểm. Nếu nhà trường đặt mức tuyển sinh ở mức 15 điểm thì chắc chắn thí sinh này đậu 100%...
“Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành này rất ít nhưng điểm của các em khá cao. Như ngành sư phạm ngữ văn chỉ có bốn thí sinh đăng ký vào nhưng em có điểm thi cộng điểm ưu tiên cao nhất là 22,5 điểm. Vì thế, nhà trường đã phải đẩy điểm chuẩn lên 23 để các em không đậu NV 1 vào ngành này nhưng sẽ đậu NV 2 vào những ngành khác trong đợt tuyển sinh này” - bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường này, nói.
Tức là CĐ Sư phạm Gia Lai sử dụng công cụ được luật trao để “chém bay” mơ ước được học đúng ngành của thí sinh!
Đồng ý rằng, một ngành học ít sinh viên thì việc bỏ nhiều tiền để duy trì phòng học, giảng viên… không khác gì đánh canh bạc với tiền đồ của thí sinh, song với việc nâng điểm chuẩn để cố tình đánh trượt thì, nói thật, rất thiếu nhân văn.
Thiếu nhân văn ở chỗ: Thay vì gặp gỡ, trao đổi, tư vấn, định hướng cho vị “thủ khoa hụt” lựa chọn NV 2 một cách thoải mái, thuận tình... thì nhà trường lại ra một bảng công bố điểm chuẩn lạnh như đồng. Trong khi giải thích với báo chí thì trình bày hoàn cảnh, kêu khó, kể khổ để mong thông cảm.
Cách hành xử như vậy rất vô cảm!
Thiếu nhân văn cũng ở chỗ: Vì cách tính toán chi phí kiểu thị trường, “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”… mà trường này đang tiếp tay cho việc chệch hướng (có thể làm tàn lụi) tương lai của một bạn trẻ.
Thông tin cho thấy, thí sinh này đã trúng tuyển NV 2 vào ngành giáo dục của trường này nhưng thực tế đây không phải là một kết thúc đẹp. Thí sinh vẫn bị thi trượt. NV 1 và NV 2 không hề giống nhau, cả về ngành học lẫn tâm lý thí sinh. NV 1 mới chính là khát vọng chính, mong muốn chính của một thí sinh sau 12 năm phổ thông. Còn lại chỉ là dự phòng, có còn hơn không. Ngoài ra, nếu học ngành sư phạm văn, sau này ra trường em có đủ chuẩn để dạy môn văn THCS. Còn nếu học ngành giáo dục tiểu học, em sẽ chỉ dạy được ở bậc tiểu học.
Nhà thơ trào phúng của thế kỷ 19 Tú Xương từng lận đận, chật vật trong thi cử. Kết cục của những thí sinh điểm cao tại CĐ Sư phạm Gia Lai cũng tương tự.
Chỉ khác ở chỗ: Tú Xương thi trượt do “dốt”, còn các em “trượt thủ khoa” vì lối ứng xử thiếu nhân văn của những người trong ngôi trường các em mong ước bước vào.