Ngày 30-6, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày tham luận tại phần thảo luận của hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012-2022).
Theo thứ trưởng, Đảng ủy Công an Trung ương đã có nhiều chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, quyết liệt về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, qua đó tạo được sự chuyển biến rõ nét.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: CAND |
Điển hình, Bộ Công an gương mẫu đi đầu trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm các tầng, nấc trung gian, thực hiện tốt chủ trương bố trí 100% giám đốc công an tỉnh, thành phố, trưởng công an cấp huyện không là người địa phương; 100% các xã có công an chính quy.
Ngành cũng quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong 10 năm, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt là việc tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo", xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ giai đoạn 2012-2015.
Cùng với đó, ngành công an còn tham mưu thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, đưa giá trị xuất khẩu, giá trị một số mặt hàng quay về giá trị thực.
Giai đoạn vừa qua, tại một số bệnh viện trung ương, giá của các vật tư, thiết bị tiêu hao đã giảm từ 20 - 40%, điển hình như máy CT 128 lớp đã giảm từ 40 tỉ xuống 25 tỉ đồng.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng tiếp tục có những bước tiến mới.
Nổi bật là chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người", điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín nhưng đều được phát hiện, điều tra, điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an, dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất đồng bộ, quyết liệt nhưng một số trường hợp “chưa biết sợ".
Ví dụ thực tế là hồi tháng 4-2020, khi mới bắt đầu vào đại dịch COVID-19, cơ quan tố tụng đã xử lý vụ trục lợi xảy ra tại CDC Hà Nội, thế nhưng sau đó vẫn xảy ra vụ kit test Việt Á. Đây là việc chưa biết sợ của một nhóm đối tượng.
Từ thực tế trên, thứ trưởng đề nghị cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.
Đồng thời, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm việc tháo gỡ khó khăn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời...