Thủ tướng: ‘3 tỉ USD ra nước ngoài là đáng suy nghĩ’

Cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng kinh tế tư nhân ngày 31-7 đã đi đến nhiều điểm thống nhất quan trọng.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng vẫn nhất quán mục tiêu kiến tạo, hành động, đồng hành với doanh nghiệp (DN). Thủ tướng cũng yêu cầu phía DN phải tránh tự mãn, dễ bằng lòng.

Vì sao dòng tiền chảy ra nước ngoài?

“Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”. Sau khi nghe Thủ tướng nói điều này, cộng đồng kinh tế tư nhân đã trực tiếp nêu thực trạng về chính sách và đưa ra nhiều kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ.

Tổng giám đốc của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Vinacapital Don Lam đã hỏi Thủ tướng về hiện tượng mà gần đây được báo chí nói nhiều: Người Việt chi tới 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ, đồng thời mỗi năm có khoảng 10-12 tỉ USD được mang ra khỏi Việt Nam thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án của nhóm các doanh nhân. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về cũng khoảng 13 tỉ USD.

“Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam? Chính phủ cùng các DN xác định chiến lược như thế nào để thu hút dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài lãnh thổ?” - ông Don Lam đặt vấn đề.

Ông Don Lam đặt vấn đề việc người Việt bỏ 3 tỉ USD để mua nhà tại Mỹ có phải là do môi trường kinh doanh chưa an toàn- Ảnh:CL

Với câu hỏi này của DN, Thủ tướng giao cho Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông trả lời. Thứ trưởng Đông nói ông cũng nghe và đọc được những thông tin về việc người Việt gửi 3 tỉ USD sang Mỹ để mua nhà. Nhưng có ý kiến cho rằng một phần trong số 3 tỉ USD kia nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào, song sau đó lại chảy ra nước ngoài.

Hơn nữa, vẫn theo Thứ trưởng Đông, dòng tiền kiều hối từ nước ngoài chảy vào và dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cũng cần phải soi lại kỹ lưỡng để có con số chính xác.

Sau khi Thứ trưởng Đông trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm: Thông tin người Việt gửi 3 tỉ USD sang Mỹ mua nhà không hẳn là những tín hiệu tiêu cực. Nó cho thấy môi trường tài chính, kinh doanh của Việt Nam rất tự do.

“Tuy vậy, câu chuyện này cũng đáng để suy nghĩ và cần lý giải. Phải chăng có nguyên nhân từ lãi suất, bởi lãi suất USD ở Việt Nam hiện nay bằng 0% chẳng hạn. Tôi lấy ví dụ như thế. Cho nên ngành ngân hàng cần suy nghĩ về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước cần làm sao để đảo ngược dòng tiền chảy ngược vào Việt Nam, thu hút thêm USD làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước. Phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư” - Thủ tướng nói.

Sau khi nghe lý giải của Thủ tướng, ông Don Lam nói: Thực tế hiện nay VinaCapital cũng mới chỉ dành khoảng 20% trong số 3 tỉ USD của quỹ này để đầu tư trong nước. “Chúng tôi cam kết sẽ dành tỉ lệ vốn đầu tư lớn hơn cho DN trong nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “DN tư nhân phải đổi mới bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực”. Trong ảnh: Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phí quá cao

Tại diễn đàn, các DN cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn về các thủ tục hành chính, chi phí không chính thức cao… ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, làm một cuộc khảo sát nhanh và kết quả cho thấy có tới 65% DN tham dự đối thoại mong muốn có một Chính phủ “hành động”.

Cũng chính ông Bình là người đầu tiên đưa ra các kiến nghị về cải cách hành chính bởi đến nay mới chỉ gần 16% số thủ tục hành chính được đưa lên cổng một cửa quốc gia trong khi mục tiêu năm 2020 là phải đạt 100%. “Chính phủ sẽ hành động như thế nào để đạt mục tiêu kỳ vọng này?” - ông Bình đặt câu hỏi.

Còn ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, nêu vấn đề về cắt giảm chi phí cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Bởi theo ông Tiền, nhiều nghiên cứu cho thấy chi phí cho một DN Việt đi làm ăn lên tới 30% tổng chi phí của DN. Chi phí xuất khẩu hàng hóa của ta cũng lên tới 23% trong khi theo nghiên cứu của World Bank, chi phí này ở các nước chỉ là 10%; chi phí logistics so với GDP cũng chiếm khoảng 23%.

“Chính phủ sẽ làm như thế nào để các con số nêu trên đạt mức trung bình của khu vực và thế giới? Những bất cập, rào cản này phải được xóa bỏ, cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển” - ông Tiền đề nghị.

Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cũng cho rằng chính sách thúc đẩy kinh tế số còn chưa được thực hiện, thậm chí còn cản trở. Chẳng hạn Bộ Tài chính vẫn quy định phí viễn thông công ích là 1,5%, trong khi DN đã đóng phí thương quyền 0,5% doanh thu vào ngân sách nhà nước.

Điều này theo ông Ngọc, làm hạn chế động lực đầu tư, kinh doanh của DN và hạn chế phát triển hạ tầng cần thiết cho kinh tế số. “Có thể nói chúng tôi một cổ hai tròng” - ông Ngọc nhận xét.

Trước những vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn con số 110.000 DN thành lập mới năm 2016 và 61.000 DN được khai sinh trong sáu tháng đầu năm nay để nhấn mạnh: “Môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện, luật pháp cũng được cải thiện... Đánh giá của thế giới cũng cho thấy Việt Nam tăng chín bậc về môi trường đầu tư năm 2016”.

Dù vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như chi phí bến bãi, lãi vay, chi phí giao thông vận tải... Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giải pháp nhằm giảm chi phí để tăng hiệu quả đầu tư của DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới

Kinh tế tư nhân là chìa khóa tăng trưởng

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên 50%-60% GDP.

“Người xưa có câu “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”. Tôi tin rằng mục tiêu kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các bên liên quan” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để DN, đặc biệt DN tư nhân, DN vừa và nhỏ khởi nghiệp phát triển thuận lợi. Khu vực tư nhân phải là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Chìa khóa tăng trưởng kinh tế đất nước nằm ở khu vực kinh tế tư nhân.

Những ý kiến dứt khoát, mạnh mẽ của Thủ tướng nhận được những tràng pháo tay dài.

Hãy nhổ neo khỏi bến đỗ an toàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của đại văn hào Mark Twain: “20 năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm”. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang đặc biệt lắng nghe, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân. Không ngày nào Chính phủ không có tiếp xúc với DN.

“Những gì làm được Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Đây là con đường đúng đắn trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh tương lai đất nước đang rất tươi sáng nhờ nguồn lực người dân, DN, vị trí địa lý. Ông mong mọi người nhìn nhận ra tương lai của đất nước để cùng phát huy sáng tạo, đặc biệt của khu vực tư nhân để thành công nối tiếp thành công.

Sửa đổi quy định về hạn điền

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã ghi nhận và phản hồi khá chi tiết những đề xuất của DN. Chẳng hạn đối với nông nghiệp, Thủ tướng đồng ý phải sửa đổi quy định về hạn điền để có thể đạt được những thành công như ở Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình.

“Sửa đổi hạn điền nhưng quyền của người nông dân vẫn được đảm bảo, đó là một cách làm phù hợp, không phải chờ sửa luật” - Thủ tướng nói và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 210 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngay trong năm nay để tạo điều kiện tốt hơn cho DN tham gia vào sản xuất nông nghiệp.

______________________________

70% du khách một đi không trở lại

Tại diễn đàn, nhóm DN du lịch cho hay năm 2016, Việt Nam thu hút 10 triệu khách quốc tế, mức cao nhất mọi thời đại. Song nhiều số liệu cho thấy khoảng 70% khách quốc tế đến Việt Nam một đi không trở lại. Họ đến và đi mang theo bảy nỗi sợ về nạn cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, ẩm thực mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Không ít du khách bị “chặt chém”, mua phải sản phẩm kém chất lượng...

Đến nay Việt Nam đã miễn thị thực cho 23 nước, 2/3 trong số đó là thời gian ngắn, trong khi các nước bên cạnh như Thái Lan, Indonesia, Singapore... đã miễn visa cho 160-169 nước, nhiều nước miễn visa trong thời gian dài.

 “Đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực, thậm chí còn kém hơn cả Campuchia và Lào” - nhóm DN du lịch nêu thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm