Thủ tướng rút ra 5 kinh nghiệm trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3

(PLO)- Sáng nay, 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 và chỉ đạo các công việc trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người. Đã có 344 người chết và mất tích, trong đó số người chết do sạt lở đất, lũ quét chiếm tỷ lệ cao (264 người chết và mất tích).

Bài học kinh nghiệm trong ứng phó bão và sau bão số 3

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế.

Đó là các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế.

Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể. Người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Bộ trưởng cũng cho biết vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ sau bão. Ảnh: VGP

Ông Hoan cũng đánh giá công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành.

“Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó” - ông Hoan cho hay.

Bộ trưởng Nông nghiệp cũng đánh giá quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập. Như quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du. Hay quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý, như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà…

Đánh giá về công tác dự báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay đã cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng với các cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên vẫn có hạn chế là chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.

Theo ông Duy, với công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200mm/6giờ, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô. Chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao. Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.

Nguyên nhân của các hạn chế này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đó là do đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du Miền núi phía Bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian. Trong khi đó, bão số 3 có nhiều yếu tố bất thường.

Bên cạnh đó, công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các chỉ số cực đoan, bất thường...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Từ phía tỉnh Lào Cai, địa phương chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ sau bão số 3, Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong cho biết tỉnh đang tập trung xây dựng lại nhà cho người dân trong đó có 3 khu tái định cư là Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến ngày 31-12 này sẽ hoàn thành.

Về bài học kinh nghiệm, ông Phong cho hay trong công tác dự báo, cảnh báo của địa phương cũng chưa chuẩn xác, có những địa bàn dự báo nguy cơ cao nhưng không xảy ra ở đó mà lại xảy ra ở chỗ khác; khả năng chống chịu, thích ứng chưa tốt đối với địa bàn vùng cao, vùng núi; phản ứng ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa tốt; trang thiết bị thiếu chuyên nghiệp...

Nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các địa phương bị ảnh hưởng và các bộ, ngành, tập đoàn liên quan, Thủ tướng phát biểu kết luận và nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng.

Một là dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa.

Hai là lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước.

Ba là đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả.

Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thủ tướng lấy ví dụ để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để thiệt hại thấp nhất có thể. Tương tự, để bảo đảm an toàn đê Hoàng Long (Ninh Bình) thì phải dừng hoạt động của thủy điện Hòa Bình, tăng hoạt động các thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng đề nghị các Bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143 ngày 17-9-2024 của Chính phủ.

Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây khi miền Nam có chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.

Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông.

Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31-12-2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10-2024, thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động.

Các bộ ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai.

Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới