Theo báo cáo quý III của UOB, trước cơn bão số 3, dữ liệu của Việt Nam cho đến tháng 8 vẫn cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu ghi nhận mức tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư thương mại đạt 18,5 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, doanh số bán lẻ đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng là 8,8% so với cùng kỳ, dù có mức cơ sở cao vào năm 2023. Dòng vốn FDI đã thực hiện trong 8 tháng đầu năm tăng 8% lên 14,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, về triển vọng tăng trưởng năm nay, UOB cho rằng ảnh hưởng từ cơn bão số 3 sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV năm nay ở các vùng phía Bắc của đất nước.
“Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc”, báo cáo của UOB nêu.
Nghiên cứu của Ngân hàng UOB nhấn mạnh mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024.
Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, chuyên gia UOB điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Đối với quý III, chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% so với dự kiến 6,0% trước đó, còn quý IV tăng trưởng 5,2% thấp hơn so với mức dự kiến 5,4%.
Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm còn còn 5,9%, so với dự báo trước đó là 6%.
Chuyên gia UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024, đồng thời chú ý đến rủi ro lạm phát.
Nhà điều hành nên áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm, hướng tới các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
Còn Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định thể hiện quan điểm khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP cả năm, dù rằng khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc mới trải qua bão số 3.
Theo đó, chuyên gia phân tích cho rằng các chương trình hỗ trợ dự kiến của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế sau bão; hoạt động xuất nhập khẩu tích cực hơn so với kỳ vọng; và môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng sẽ là lực đỡ cho nền kinh tế. Dựa trên quan điểm này, GDP cả năm 2024 vẫn có thể tăng trưởng 6,5%.