ADB đưa ra giải pháp phục hồi kinh tế sau bão số 3

(PLO)- Chuyên gia của ngân hàng ADB cho rằng tiền để giúp khôi phục kinh tế sau bão số 3 nên đến từ ngân sách và bảo hiểm.

Ngày 25-9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo về triển vọng kinh tế. Tại đây, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

2509ADB.jpg
Ngày 25-9, ADB họp báo về triển vọng kinh tế. Ảnh: NGỌC DIỆP

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.”

Lạm phát dự báo tăng nhẹ ở mức 4% trong 2 năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga – Ukraine, có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.

Cũng theo giám đốc quốc gia ADB, vẫn có những rủi ro suy thoái có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn trong vài quý vừa qua do căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang, kết quả bầu cử tại một số nền kinh tế lớn có thể dẫn đến “phân mảnh” về thương mại.

Ngoài ra, giám đốc quốc gia của ADB lưu ý đến việc sau hàng loạt các đợt hạ lãi suất gần đây tại một số nước cho thấy các nền kinh tế tiên tiến cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn để duy trì tăng trưởng

Nhận xét về bối cảnh toàn cầu, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh kinh tế toàn cầu đang trong xu thế suy giảm chậm. Nhận định về định hướng chính sách hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm, ông Hùng phân tích: “Khi mà lạm phát ở ngưỡng dự báo khoảng 4% và bản thân nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã hạ lãi suất, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ có thể nói là gần như không còn”.

Do đó, ông Hùng khuyến nghị Việt Nam nên gia tăng đầu tư công, tuy nhiên làm sao để giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu lại không hề đơn giản. Ông Hùng viện dẫn đến số liệu năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 80% kế hoạch, ngưỡng này chưa cao. Năm 2024, mục tiêu là 95% thì tính đến hết tháng 8, cả nước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 được 274.501 tỷ đồng, mới đạt đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua gây thiệt hại nặng nề đến nhiều tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nói đến câu chuyện sau bão lũ ở các nước phát triển như Mỹ. Đơn cử, sau cơn bão Katrina năm 2005 tại Mỹ, một nguồn tiền quan trọng cho phục hồi kinh tế đến từ bảo hiểm. Theo chuyên gia ADB, lần này, nguồn tiền từ các doanh nghiệp bảo hiểm đền bù cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bão sẽ giữ vai trò quan trọng.

Theo chuyên gia ADB, nguồn tiền giúp cho phục hồi kinh tế sau bão không nên chỉ đến từ các ngân hàng bởi bản thân các ngân hàng cũng đã chịu ảnh hưởng do rất nhiều khách hàng của họ mất khả năng trả nợ sau bão. Ngoài ra các ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống của chính họ, vì vậy không thể chỉ trông chờ vào tiền từ các ngân hàng.

Chuyên gia ADB khẳng định hai động lực phục hồi của kinh tế sau bão Yagi nên là bảo hiểm và ngân sách. Đầu tư công mạnh vào các cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hỗ trợ phục hồi trên đồng ruộng, giống và nguyên liệu sản xuất.

Theo Bộ KH&ĐT, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm