Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại đầu tiên của mình hôm 28-11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết cách tiếp cận của Anh trong quan hệ với Trung Quốc cần phải mở rộng. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh đang "cạnh tranh một cách có ý thức để giành ảnh hưởng toàn cầu, bằng cách sử dụng tất cả đòn bẩy từ quyền lực nhà nước", theo hãng tin Reuters.
"Cái gọi là 'kỷ nguyên vàng' cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ dẫn đến cải cách xã hội và chính trị đã qua rồi", ông Sunak nói - ám chỉ cách nói của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne về quan hệ Anh-Trung vào năm 2015.
"Chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc đặt ra một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của chúng ta" - ông nói thêm.
Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới - đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Úc, Nhật và nhiều nước khác cũng hiểu điều này".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: REUTERS |
Ông Sunak cho biết dưới sự lãnh đạo của ông, nước Anh sẽ cạnh tranh trên trường quốc tế "không phải bằng lời nói mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ".
Thủ tướng Sunak cũng cho rằng Anh cần thực hiện cách tiếp cận dài hạn trong quan hệ quốc tế.
Ông nói: "Đối mặt với những thách thức này, chủ nghĩa ngắn hạn hoặc mơ tưởng sẽ không đủ. Chúng ta không thể phụ thuộc vào các lập luận hoặc cách tiếp cận của giai đoạn Chiến tranh Lạnh và cũng không thể dựa vào cảm tính".
Về vấn đề Ukraine, ông Sunak cho biết Chính phủ Anh sẽ duy trì viện trợ quân sự cho Kiev vào năm tới, tiếp nối các chính sách của các cựu thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss.
Một số người trong đảng Bảo thủ đã chỉ trích Thủ tướng Sunak, cho rằng chính sách với Trung Quốc của ông ít cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Liz Truss. Trước đó, cuộc gặp giữa Thủ tướng Sunak với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) đã không thể diễn ra.