Thủ tướng thị sát tình hình sạt lở ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(PLO)- Thủ tướng đã đi khảo sát thực tế về tình hình sạt lở ven biển ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Chiều 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, tại hội trường Tỉnh ủy Cà Mau.

Ngay chiều cùng ngày, trước tình hình sạt lở ven biển ở các tỉnh vùng ĐBSCL, Thủ tướng đã đi khảo sát thực tế các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thủ tướng thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể di chuyển bằng trực thăng và ô tô, Thủ tướng và đoàn đã kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại nhiều khu vực như thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng; khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu; các khu vực biển: Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển, khu vực Hổ Mồi thuộc huyện Đầm Dơi, khu vực Đất Mũi của tỉnh Cà Mau.

Thủ tướng cũng đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình sạt lở đang diễn ra trên địa bàn. Đáng chú ý, tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 89 km, trong đó các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 31 km với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 80 m.

Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy.

Thủ tướng khảo sát tình hình sạt lở tại khu Du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo lãnh đạo các tỉnh, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả.

Riêng Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 55,7 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỉ đồng. Hiện tỉnh và Bộ NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42,2 km kè biển, với kinh phí 1.785 tỉ đồng.

Thủ tướng đánh giá tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng rừng ngập mặn là nghiêm trọng tại ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ từ đầu năm tới nay, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, cần các giải pháp cấp bách và lâu dài.

Đánh giá tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng rừng ngập mặn là nghiêm trọng tại ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước mắt phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở.

Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương vào chiều tối 11-8. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai các dự án cần làm ngay.

Ông đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược lâu dài như quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển).

Dự kiến trong 12-8, Thủ tướng sẽ tiếp tục khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương ĐBSCL về nội dung này.

Liên quan đến vấn đề này, hôm 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới