Thủ tướng: Trình Bộ Chính trị đề án phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM

(PLO)- Thủ tướng giao Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện đề án, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải sáng 5-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp nghe báo cáo và thảo luận về đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Cần thiết xây dựng sớm các tuyến metro

Tại cuộc họp, các đại biểu đều khẳng định việc sớm đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị hai TP lớn là rất cần thiết, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch về phát triển đường sắt đô thị.

Các dự án khi xây dựng cũng góp phần tái cơ cấu không gian phát triển đô thị, phân bổ lại dân cư, tạo động lực tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh của các TP cũng vì thế mà được nâng lên, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Đặc biệt, các dự án khi hoàn thành góp phần phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, gắn kết với giao thông công cộng (TOD) tiến tới phát triển đô thị bền vững.

trinh-bo-chinh-tri.jpeg

Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội

Cũng vì thực tế đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương sớm đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị tại hai TP lớn này. Hiện chính quyền hai TP đã lập điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch TP và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển giao thông.

Thêm vào đó, Quốc hội ban hành một số cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đường sắt đô thị, khai thác nguồn lực từ quỹ đất. Chính phủ đang triển khai xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) với một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung và đường sắt đô thị nói riêng.

Hà Nội: Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác các tuyến gồm tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long); tuyến số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Ga Hà Nội - Yên Sở) và tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).

TP.HCM: Mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6. Đến năm 2045, TP đầu tư thêm tuyến số 7 và kéo dài 6 tuyến đã đầu tư giai đoạn trước. Dự kiến tới năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10 nâng tổng chiều dài dự án metro lên khoảng 510,02 km.

TP.HCM và Hà Nội đề xuất sáu nhóm cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư metro. Đơn cử như nhóm chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về huy động nguồn vốn; về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án…

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413 km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 410,8 km (21,5 km đã đưa vào khai thác; 397,8 km chưa đầu tư).

Còn theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2040, tầm nhìn 2065 (chưa được duyệt), đến năm 2035 dự kiến TP hoàn thành khoảng 410,8 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7 km.

Với TP.HCM, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020, hệ thống đường sắt đô thị TP có tổng chiều dài 173 km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 183 km.

Còn quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 (chưa được duyệt), đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 168 km; đến năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159 km.

Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần. TP.HCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Mặt khác, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt. Việc phát triển đường sắt đô thị là một trong các tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Phòng chống tiêu cực trong quá trình xây dựng đề án

Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các cấp xây dựng đề án với cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại, tổng thể, bao trùm, mang lại hiệu quả cao. Đề án cần nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc để khi triển khai được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan trung ương quan tâm việc phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP.HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan. Phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm, đặt trong tổng thể phát triển giao thông của cả nước, nhất là tại các TP nêu trên.

Trình bộ chính trị đề án phát triển đường sắt đô thị
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng thời kỳ phát triển mới.

"Quy hoạch giao thông phải có tầm nhìn xa. Tinh thần của chúng ta là "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua ruộng thì đổ đất". Cần tránh các khu dân cư, công trình ngầm, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội để giảm tối thiểu giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng tới dân cư… ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu khi xây dựng đường sắt đô thị cần lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Song song đó, trong nước cần huy động đa dạng nguồn vốn, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.

Trước mắt, Hà Nội và TP.HCM phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TP.HCM trước ngày 25-12-2024 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai TP.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện đề án, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách…

“Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai đề án…”- Thủ tướng lưu ý.

Cần khoảng 174 tỉ USD cho các dự án đường sắt đô thị

Theo dự thảo đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035, hai TP đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành toàn bộ các tuyến metro đã được quy hoạch trước đây với tổng chiều dài khoảng 580,8 km. Trong đó, Hà Nội khoảng 397,8 km và TP.HCM khoảng 183 km.

Đến năm 2045, hai TP hoàn thành đưa vào khai thác thêm khoảng 369,06km metro, trong đó Hà Nội khoảng 200,7 km còn TP.HCM khoảng 168,36 km.

Các tuyến metro tại hai TP này sẽ là đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế từ 80-160 km/giờ. Công nghệ đoàn tàu là động lực phân tán (EMU).

Hình thức đầu tư các dự án là đầu tư công. Tổng nhu cầu vốn hai TP vào năm 2035 là rất lớn, khoảng trên 174 tỉ USD.

Số tiền trên hai TP dự kiến lấy từ bốn nguồn thu là ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP, nguồn từ ngân sách TP, nguồn từ TOD và từ trái phiếu địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm