Điều kiện kinh doanh là con dao hai lưỡi. Một mặt nó thuận tiện cho quản lý nhà nước nhưng mặt khác nó khiến doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà.
Dẫn chứng cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab, Uber Taxi, ông Hiếu nhận định: “Nhiều người nói taxi truyền thống rất khó cạnh tranh do chậm đổi mới, không năng động, tôi không đồng ý. Tôi khẳng định doanh nghiệp Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng taxi truyền thống không cạnh tranh là do đang chịu áp đặt 10 điều kiện kinh doanh. Điều này khiến họ không thể áp dụng được khoa học công nghệ”.
Thực tế đã chứng minh taxi truyền thống muốn hoạt động được phải được Nhà nước kiểm định, phải lắp đồng hồ, phải đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn... Tất cả điều kiện này theo ông Hiếu, đã làm cản trở taxi truyền thống phát triển.
“Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM từng thổ lộ rằng mấy triệu tài xế taxi đã được đi tập huấn theo chương trình của Nhà nước nhưng cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Nếu không có chứng chỉ do cơ quan chức năng cấp thì không được lái xe” - ông Hiếu kể.
Thực ra những bất cập này không chỉ tồn tại trong lĩnh vực taxi mà còn ở nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể: Hồi tháng 6-2016, Bộ KH&CN trình nghị định về kinh doanh mũ bảo hiểm, trong đó yêu cầu nhà kinh doanh phải có đủ thứ loại máy móc.
Do lo ngại quy định như vậy sẽ khiến doanh nghiệp không thể chuyên môn hóa và hợp tác với đơn vị khác để sản xuất nên VCCI và CIEM đề nghị: Không quy định điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm vì đã có quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm chất lượng hàng hóa. Nếu cần thì gia cố thêm biện pháp thực thi nhằm bảo đảm nghiêm túc rằng mọi mũ bảo hiểm ra thị trường đều đáp ứng quy chuẩn.
Thế nhưng Nghị định 87/2016 vẫn ra đời và quy định: Một trong những điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm là phải có “thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp)”. Bị điều kiện vô lý này cản trở, đầu tháng 4-2017 vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng nên cho doanh nghiệp liên kết để làm một số công đoạn. Bởi nguyên tắc là một sản phẩm khi đưa ra thị trường cần đảm bảo chất lượng theo quy định chứ không cần mỗi doanh nghiệp phải có đầy đủ trang thiết bị mới được sản xuất mũ bảo hiểm.
Ngược thời gian, những điều kiện kinh doanh tương tự như trên là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đơn cử như ngành xuất khẩu gạo với những quy định về nhà xưởng, kho dự trữ, công suất máy xay xát… đã vô tình giết chết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Dù muộn còn hơn không, những điều kiện nói trên đã và đang được tháo cởi. Nhưng điều băn khoăn nhất của người kinh doanh là: Những điều kiện kinh doanh tới đây có còn kìm hãm phát triển nữa hay không? Hay tình trạng này lại tiếp diễn để tiếp tục gây ra hậu quả mà ông Hiếu nói: “Ta thua là do ta… tự thua”.