Thực hư mang tã ảnh hưởng việc sinh đẻ

Gần đây, một số bài viết đăng tải trên mạng xã hội có nội dung đề cập tới những ảnh hưởng không tốt nếu cho trẻ sử dụng tã giấy thường xuyên khiến không ít phụ huynh hoang mang. Sự thật chuyện này ra sao? Các phụ huynh nên lưu ý gì khi cho trẻ mang tã?

Cảnh báo quá đà gây hoang mang dư luận

Nhiều bài viết trên mạng nói nếu cho trẻ thường xuyên mang tã giấy sẽ hầm hơi, mồ hôi và nước tiểu ứ đọng gây ra hiện tượng dính âm đạo ở nữ, dính bao quy đầu ở nam. Điều này dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

Các bài viết còn khẳng định bé nữ bị dính âm đạo, viêm nhiễm âm đạo nếu không phát hiện, điều trị sớm sẽ có nguy cơ mất khả năng làm mẹ sau này. Đối với bé trai, việc thường xuyên mang tã giấy chẳng những dính bao quy đầu mà còn khiến nhiệt độ tăng lên do bí, hầm hơi. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và chất lượng tinh trùng về sau. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ có thể vô sinh.

Chưa hết, bài viết còn cho rằng trẻ mang tã giấy thường xuyên sẽ có thói quen xấu là tự động tiêu, tiểu mà không thèm gọi cha mẹ ngay khi biết nói. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ không kiểm soát được tiêu, tiểu hoặc liên tục đái dầm khi đã lớn.

Những cảnh báo này gây hoang mang thật sự cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đó là những thông tin không chính xác.

Không ảnh hưởng đến việc sinh con đẻ cái

“Thực tế cho thấy tã giấy rất tiện lợi cho cả trẻ nhỏ lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, sử dụng tã phải đúng cách, nếu không ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ” - BS Nguyễn Ngọc Sáng, phòng khám nhi BV ĐH Y Dược TP.HCM, nói.

Theo BS Sáng, phòng khám nhi của bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp trẻ dưới hai tuổi bị viêm nhiễm vùng da với các biểu hiện như đỏ da, nổi mẩn, mụn mủ… Điều này khiến trẻ luôn bị ngứa, đau, rát. Nguyên nhân là do trẻ mang duy nhất một tã giấy từ sáng tới chiều hoặc thỉnh thoảng mới được thay.

“Lỗi này hoàn toàn do cha mẹ. Nhiều cha mẹ nghĩ phân, nước tiểu của trẻ sẽ thấm hết vào tã giấy nên không cần thay mới. Do trẻ chỉ được sử dụng một hoặc hai tã giấy trong ngày nên không khí thiếu sự lưu thông, dẫn đến tình trạng bí hơi. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh, vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng, siêu vi phát triển nên gây viêm nhiễm vùng da” - BS Sáng lưu ý.

Theo BS Sáng, tình trạng bí hơi do chỉ mang một, hai tã giấy trong ngày còn dễ có nguy cơ dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm sinh dục cho trẻ. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng tiểu khiến trẻ tiểu đau, tiểu rát, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục.

Còn về khả năng mất khả năng làm mẹ, làm cha của trẻ sau này do lạm dụng tã giấy, BS Sáng khẳng định điều này là không thể. “Âm đạo trẻ nữ trong vài năm đầu bị dính là điều bình thường. Sau đó tự tách ra nên không ảnh hưởng đến chuyện sinh đẻ về sau. Đối với trẻ nam, dính da quy đầu trong 2-3 năm đầu là chuyện tự nhiên. Sau đó hiện tượng trên cũng mất dần” - BS Sáng giải thích.

“Chưa hết, trẻ nam từ 10 tuổi trở lên thì tinh hoàn mới tạo tinh trùng. Do vậy, dù phụ huynh lạm dụng cho trẻ nhỏ mặc tã giấy thường xuyên trong độ tuổi 2-3 cũng không ảnh hưởng đến khả năng làm cha về sau” - BS Sáng giải thích thêm.

Theo BS Sáng, phụ huynh đừng quá lo lắng về việc dùng tã giấy, cũng không cần phải sợ con mất phản xạ tiêu, tiểu hoặc liên tục đái dầm khi đã lớn. “Khi trẻ 4-5 tuổi thì mọi chuyện đâu sẽ vào đó, bởi lẽ trẻ sẽ tự điều chỉnh việc tiêu, tiểu” - BS Sáng nói.

Nên mặc tã giấy cho trẻ đúng cách

Tã giấy đưa ra thị trường đã được cơ quan chức năng cho phép. Do vậy, các bậc phụ huynh phải sử dụng đúng cách để không ảnh hưởng sức khỏe cho trẻ.

Cha mẹ nên thay ngay tã giấy khi trẻ vừa tiêu, tiểu. Nếu 4-6 tiếng đồng hồ mà trẻ chưa tiêu, tiểu thì các bậc phụ huynh cũng nên mở tã giấy để được thông thoáng. Khi mặc lại tã giấy, phụ huynh nên lau khô cho trẻ. Phụ huynh nên ngưng cho trẻ mang tã giấy khi trẻ được 2-3 tuổi.

BS NGUYỄN NGỌC SÁNG
phòng khám nhi BV ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm