Vừa qua, lực lượng chức năng quản lý thị trường trong nước liên tục bắt giữ hàng trăm tấn sản phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, chất lượng. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng cũng như cách lựa chọn thực phẩm để tránh mua phải hàng đông lạnh kém chất lượng.
Viện Dinh dưỡng và Dinh dưỡng học của Mỹ (Eatright) đã chỉ ra một số lưu ý khi lựa chọn thực phẩm đông lạnh.
Quan sát thành phần dinh dưỡng: Các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ cảnh báo rằng không phải loại thực phẩm đông lạnh nào cũng được đóng gói như nhau. Một số loại thực phẩm có thể chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, muối... Do đó khi lựa chọn sản phẩm đông lạnh, người tiêu dùng cần quan sát kỹ thành phần dinh dưỡng để tránh những loại thực phẩm có gia vị hoặc thành phần không tốt cho sức khỏe.
Viện dinh dưỡng và dinh dưỡng học của Mỹ cũng khuyến nghị, người mua nên chọn những loại có ít chất béo bão hòa, đường, muối và chọn các sản phẩm có hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cao.
Cần quan sát kỹ bao bì, chất lượng của thực phẩm đông lạnh trước khi mua. Ảnh: Nguyên Hà
Quan sát thực trạng thực phẩm: Người tiêu dùng khi mua thực phẩm đông lạnh nên chọn những cơ sở có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm đóng gói có thời gian sử dụng và cơ sở sản xuất. Để ý thật kỹ các tem dán hạn sử dụng tránh trường hợp dán chồng tem hoặc thay đổi hạn sử dụng sản phẩm.
Để không mua phải thực phẩm đông lạnh kém chất lượng, cần kiểm tra màu sắc của các loại thực phẩm đông lạnh trước khi mua, chúng cần giữ được màu sắc tự nhiên, không bị tím tái hoặc đổi màu thâm đen.
Ngoài ra, nên quan sát trạng thái sản phẩm, với những sản phẩm đông lạnh đã xuất hiện đá cục hoặc lẫn các tinh thể băng thì không nên chọn mua.
Quan sát thời hạn, nhiệt độ bảo quản: Khi vào siêu thị hoặc các điểm bán hàng đông lạnh, ngoài quan sát hạn chất lượng thực phẩm, người mua nên lưu ý đến thời hạn sản xuất, hạn sử dụng và nhiệt độ bảo quản.
Theo các chuyên gia của Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh, thông thường thịt đông lạnh chỉ bảo quản được trong 3-6 tháng ở nhiệt độ âm 18 độ C. Nhưng lúc này mùi vị, hương vị sẽ từ từ biến chất, các chất béo cũng oxy hóa dần dần. Vì thế, hạn sử dụng trên bao bì có thể ghi ba tháng nhưng không có nghĩa thực phẩm chắc chắn được đảm bảo trong khoảng thời gian đó.
Do đó người tiêu dùng không nên mua tích trữ đồ đông lạnh quá nhiều, chỉ mua vừa đủ ăn trong thời gian ngắn, nên chọn sản phẩm có ngày sản xuất gần nhất.
Sử dụng, chế biến thực phẩm đông lạnh đúng cách: Các chuyên gia dinh dưỡng trên Eatright cho rằng một thực tế nữa cũng khiến thực phẩm đông lạnh trở thành nguy cơ gây ngộ độc, đó là người dùng không biết cách bảo quản thực phẩm đông lạnh.
"Cách an toàn nhất để làm tan thực phẩm đông lạnh là trong tủ lạnh. Khi làm tan thịt trong tủ lạnh, hãy đựng chúng trong một cái đĩa, hoặc tô để tránh phần nước thực phẩm rò rĩ ra tủ lạnh và các thực phẩm bên cạnh", trang này cũng thông tin thêm, thực phẩm cũng có thể được rã đông trong lò vi sóng và nên được nấu ngay sau khi rã đông.
Bên cạnh đó, người nội trợ không nên để thực phẩm đông lạnh ra môi trường bên ngoài để chúng tự tan chảy vì lúc này vi khuẩn dễ xâm nhập gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Ngoài ra để giữ thực phẩm đông lạnh an toàn, hãy làm theo các phương pháp nấu ăn được chỉ định trên bao bì.
Thực phẩm đông lạnh tốt phải đảm bảo từ khâu giết mổ Theo một chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cũng đưa ra nhận định một sản phẩm đông lạnh có chất lượng phải được đảm bảo tiêu chuẩn từ khâu như giết mổ, chế biến và vận chuyển trước khi vào đông lạnh để bảo quản. Nếu một khâu không đảm bảo, bị nhiễm khuẩn thì thịt đông lạnh đã có vấn đề. Vị này cũng bày tỏ, người tiêu dùng Việt Nam nên thận trọng khi lựa chọn thực phẩm đông lạnh, không nên có tâm lý thực phẩm nhập cảng từ các nước tiên tiến là an toàn. Bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp của các nước tiên tiến đã lợi dụng hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm lỏng lẻo của các nước đang phát triển để xuất khẩu, bán tháo sản phẩm không được tiêu thụ trong nước. Hoặc tình trạng nhập lậu sản phẩm đông lạnh không qua quá trình kiểm tra chất lượng. |