Ngày 25-8, tại thị xã Dĩ An, Bình Dương xe đầu kéo khi đang vào ngã tư rất đông người, ôm cua thì thùng container (cont) rớt xuống, may mắn không gây ra thương vong. Ngày 3-9, một xe đầu kéo kéo theo hai thùng cont khi chạy qua thị xã Tân Uyên, Bình Dương cũng đã làm rớt thùng cont xuống, nhiều người bị một phen hú vía. Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ xe đầu kéo kéo theo thùng cont bị rơi xuống đường khi đang lưu thông khiến người đi đường không khỏi bàng hoàng.
Rớt cont, chỉ bị nhắc nhở
Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 35/2013 ngày 21-10-2013 của Bộ GTVT về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, quy định: Cont là một thành phần trong thiết bị vận tải có tính bền vững và đủ độ chắc phù hợp cho việc sử dụng nhiều lần; cho phép xếp dỡ thuận tiện, đặc biệt khi chuyển từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác. Cont được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn quy định.
Khoản 3 Điều 8 thông tư trên quy định về xếp hàng vào cont và xếp cont trên ô tô: Sử dụng các thiết bị để định vị cont với xe, đảm bảo cont không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Điểm c khoản 2 Điều 9 thông tư trên quy định về trách nhiệm của tài xế: tài xế chịu trách nhiệm khi hàng được xếp lên ô tô vi phạm các quy định về tải trọng, khổ giới hạn và các quy định khác về xếp hàng mà vẫn tiếp tục điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.
Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt với hành vi làm rớt cont xuống đường nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản của người khác thì còn thiếu quy định. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho rằng hiện chưa có quy định rõ để xử phạt hành vi làm rơi thùng cont xuống đường. Vì vậy trong hai vụ rớt cont nói trên sau khi giải phóng hiện trường CSGT chỉ nhắc nhở tài xế chứ không ra quyết định xử phạt hành chính.
Một xe đầu kéo làm rơi thùng container đè trúng người đi đường trên đại lộ Độc Lập, tỉnh Bình Dương ngày 17-7. Ảnh: H.XUÂN
Xử phạt hành chính được
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, thùng cont gắn theo xe đầu kéo có hai loại. Thứ nhất là loại cố định theo xe như các xe chở hàng đông lạnh, lúc này thùng cont được gắn cố định vào rơmoóc, có chốt và khóa chốt rất an toàn, loại này hầu như ít bị rớt cont xuống đường. Thứ hai là loại thùng rời chứa sẵn hàng hóa bên trong, xe đầu kéo đến lấy cont đưa lên giá rồi chở đến nơi yêu cầu.
Với loại thứ nhất, các bộ phận đầu kéo, rơmoóc và thùng cont gần như gắn liền một khối, thùng cont không phải là hàng hóa để chằng buộc. Loại này khó áp dụng khoản 1 Điều 24 Nghị định 46/2016 (quy định về việc xử phạt hành vi vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn). Thực tế loại này hầu như cũng không rớt cont, trừ khi xe bị lật nguyên chiếc do tai nạn.
Với loại thứ hai, cont chứa hàng được gắn lên rơmoóc để kéo đi, do vậy chiếc cont được coi là hàng hóa và cần phải chằng buộc cẩn thận. Các vụ để rớt cont gần đây là do tài xế cẩu thả, không gài chốt trên rơmoóc cho cố định với thùng cont nên bị rớt. Trường hợp này có thể áp dụng khoản 1 Điều 24 Nghị định 46/2016 để xử phạt người điều khiển xe chở hàng hóa mà không chằng buộc chắc chắn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo đó, mức phạt cho hành vi trên là từ 300.000 đến 400.000 đồng.
“Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường, thùng cont khi bị rơi còn gây hư hỏng đường sá, gây kẹt xe nghiêm trọng. Theo tôi, việc chỉ có thể xử phạt hành chính với số tiền phạt như trên là quá nhẹ, cần nghiên cứu chế tài mạnh hơn” - LS Hồng nói.
Riêng với trường hợp hành vi làm rớt cont xuống đường gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác thì theo LS Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, có thể xử lý theo quy định tại BLHS. Theo đó, việc cont rớt mà gây chết người, gây thương tích nặng hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị lớn thì phải chịu các chế tài tương ứng theo khoản 1, 2, 3 hoặc 4 Điều 260 BLHS (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ).
Bộ GTVT đã có chỉ đạo Bộ GTVT vừa yêu cầu siết chặt quy định về xếp dỡ, chở hàng hóa trên ô tô, xử lý nghiêm với các hành vi cố tình vi phạm. Theo Bộ, thời gian qua hiện tượng ô tô, đặc biệt là các loại xe tải, xe đầu kéo chưa tuân thủ quy định về việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Tình trạng này diễn ra phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục trực thuộc cần tuyên truyền việc thực hiện các quy định về xếp hàng hóa trên ô tô tới các cảng, bến thủy nội địa, nhà ga đường sắt, kho xếp dỡ hàng hóa. Đồng thời tuyên truyền đến các doanh nghiệp vận tải, tài xế, chủ xe, chủ hàng, người bốc xếp hàng hóa nhằm đảm bảo việc xếp, chằng buộc, chèn chống, lót, cố định hàng hóa chắc chắn, hạn chế tối đa xê dịch, va chạm, rơi vãi trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Bộ này cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt VN, Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội Cảng biển tuyên truyền các đơn vị vận tải, tài xế, chủ xe, chủ hàng, các đơn vị khai thác cảng, nhà ga đường sắt thực hiện các quy định xếp hàng hóa an toàn trên ô tô. |