Tỉ phú Mỹ gốc Hoa: Có nhiều tiền để làm gì?

Giàu nhờ những lần thăm bạn gái

Viên Chinh kể câu chuyện mất nhiều giờ để thăm bạn gái với công ty đầu tư vốn GGV Capital (Mỹ) hồi tháng 7-2018:  “Ngày nào đó, nếu tôi có thể có một thiết bị thông minh và chỉ cần một cú click thì tôi có thể nói chuyện, trông thấy bạn. Đó là giấc mộng ban ngày. Ngày nào tôi cũng nghĩ về điều đó”.

Và Viên Chinh (tên Mỹ là Eric Yuan)  đã biến giấc mơ ấy thành Zoom, do ông làm tổng giám đốc (CEO). Zoom đặt trụ sở ở San Jose (bang California, Mỹ) hiện là một trong 10 công ty phần mềm đám mây được định giá cao nhất thế giới.

Zoom có nguồn lợi nhuận 331 triệu USD hồi năm 2018, lãi 7,6 triệu USD, trở thành một trong số ít công ty công nghệ làm ăn có lãi tham gia thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2019. 

Ngày 18-4, Viên Chinh là cổ đông lớn của Zoom, khi công ty huy động được 751 triệu USD, tính trên giá IPO 36 USD/cổ phiếu, trong lần đầu tiên chào bán cổ phiếu cho công chúng (IPO) trên thị trường Nasdaq (Mỹ),

Viên Chinh nắm 20% cổ phần trị giá khoảng 2,9 tỉ USD ở Zoom, đã cùng gia đình bán  số cổ phiếu trị giá 57 triệu USD và sau khi bắt đầu giao dịch, giá cổ phiếu Zoom tăng 72% lên mức 62 USD/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên. Giá trị cổ phiếu của gia đình Viên Chinh là 3,2 tỉ USD, theo Chỉ số Tỉ phú Bloomberg. 

Viên Chinh (người Trung Quốc) chính thức gia nhập nhóm tỉ phú công nghệ, cùng với Sergey Brin của Alphabet, Jensen Huang của Nvidia và Elon Musk của Tesla. Đây là những người di dân trở thành tỉ phú sau khi lập các công ty ở Thung lũng Silicon. Theo nghiên cứu của Hurun và công ty tư vấn di cư Visas Consulting Group, Mỹ là lựa chọn hàng đầu của khoảng hơn ¾ nhà giàu Trung Quốc có ý định di cư.

Ông cho biết ông không phải là mẫu CEO thích "xê dịch" như nhiều người khác, và cũng là người cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình ông, dù có bận việc đến mấy chăng nữa. Ông có vợ và hai con trai, một con gái.  

Viên Chinh cũng bắt đầu tính chuyện sử dụng tiền tài thế nào khi đã lên hàng tỉ phú. Ông nói các tỉ phú Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft) Mark Zuckerberg của Facebook là những tấm gương để ông tìm ra các cách sử dụng tài sản vào những hoạt động thiện nguyện, và ông đã hứa tặng tiền cho một số trường học Mỹ.

8 lần bị Mỹ từ chối cấp visa  

Sự thành đạt của Viên Chinh là kết quả một hành trình dài đầy khó khăn, từ lúc lập một công ty phần mềm khởi nghiệp ở Bắc Kinh, rồi phát triển thành một công ty niêm yết trên sàn Nasdaq.

Theo CNBC, có nhiều kỹ sư phần mềm Trung Quốc nắm giữ các vị trí cao, nhưng họ không lập công ty và phát triển cho đến lúc trở thành công ty niêm yết. Trên thực tế, chẳng có công ty nào trong nhóm 50 công ty thuộc Chỉ số Bessemer Nasdaq Emerging Cloud có CEO người Trung Quốc.

Viên Chinh, 49 tuổi, hồi 30 năm trước đã mong ước được làm việc tại thung lũng Silicon, muốn trở thành một phần trong sự phát triển bùng nổ của ngành công nghệ Mỹ, sau khi anh nghe bài phát biểu của tỉ phú, ông Bill Gates.

Nhưng hồ sơ xin visa của người kỹ sư bị Mỹ từ chối những 8 lần trong vòng hai năm. Mãi đến năm 1997, Viên Chinh ở tuổi 27 mới có visa đến Mỹ, làm việc trong bộ phận phát triển hệ thống họp trực tuyến của WebEx Communications, một công ty dịch vụ họp trực tuyến.

Khi đó, anh gần như không nói được tiếng Anh, vì như ông kể sau này: “Trong vài năm đầu, tôi mải mê lập trình và rất bận rộn”, nên không theo học các khóa học tiếng Anh, và quyết học thứ tiếng này từ các đồng nghiệp Mỹ.

Rồi Viên Chinh thăng tiến dần, nắm các vị trí cho đến khi trở thành người đứng đầu bộ phận kỹ thuật cho đến năm 2007, khi Cisco thực hiện vụ thâu tóm WebEx trị giá 3,2 tỉ USD.

Ông Viên Chinh trong ngày Zoom thực hiện IPO - Ảnh: CNBC

Thành công nhờ "Họp trực tuyến"
Bốn năm sau, Viên Chinh cùng Dan Scheinman, giám đốc mảng phát triển doanh nghiệp của Cisco, rời bỏ công ty.

Tháng 4-2011, Viên Chinh gọi điện mời Scheinman đi uống trà và nói về ý tưởng của mình. Năm đó,  thị trường đã có quá nhiều các phần mềm họp trực tuyến của  Google, Skype, GoToMeeting và Cisco.

Ban đầu, ngay cả người bạn thân Scheinman kiêm nhà tư vấn lâu năm nhất không tin rằng Zoom có thể tồn tại. Nay là nhà đầu tư và là một thành viên điều hành Zoom, ông nói: “Anh ấy lao vào một thị trường mà ai cũng nói là xong rồi. Anh ấy đấu với các tên tuổi lớn”.

Viên Chinh cũng nói: vấn đề của các sản phẩm này là không còn người ưa dùng, và hệ thống code mà ông viết cho WebEx từ 20 năm trước hiện vẫn đang được sử dụng.

Nhưng là một kỹ sư phần mềm với nhiều bằng sáng chế về tương tác dựa trên thời gian thực, Viên Chinh biết rằng điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ có thể có nhiều tác dụng hơn nữa với việc họp trực tuyến.

Nên ông phớt lờ các lời chỉ trích và lắng nghe người dùng, và  sự kiên nhẫn của ông đã mang lại thành công.

Scheinman quá hiểu người bạn có kinh nghiệm-và kiến thức, thể hiện được khả năng của một người giỏi nghề và đáng tin cậy. Nhưng ông cũng muốn bảo đảm mình không ủng hộ một “tên khùng”, nên thực hiện hai cuộc gọi cho Viên Chinh, gồm một cuộc lúc ông lái xe đến tiệm cà phê Coupa ở Palo Alto (bang California).

Khi đến nơi, Scheinman đã ký một ngân phiếu 250.000 USD, và chỉ cần Viên Chinh cho ông biết tên công ty để điền vào. Khi sàn Nasdad đóng cửa hôm 18-4, khoản đầu tư của ông đã tăng gấp 700 lần lên gần 176, 5 triệu USD.

Viên Chinh nói các nhà đầu tư cũng hứa góp vốn, nhưng  Scheinman là người đầu tiên chuyển tiền vào ngân hàng, và giới thiệu ông với người anh em họ Jim Scheinman, người lập công ty đầu tư Maven Ventures.

Jim không chỉ trở thành nhà đầu tư kiêm cố vấn, còn giúp Viên Chinh đặt tên cho công ty với các gợi ý: Zippo, Hangtimes, Poppy và Zoom. Họ chọn cái tên cuối này.   

Trong 2 năm đầu hoạt động của Zoom, công ty chỉ là  một nhóm nhỏ, phần lớn là các kỹ sư từ WebEx. Sản phẩm đầu tiên của Zoom được tung ra vào năm 2013, và quá ít nhân sự đến nỗi chính Viên Chinh phải tự email cho khách hàng mỗi khi có khách hàng nào đó hủy đăng ký dịch vụ của Zoom. Ông cũng dùng chính hệ thống họp trực tuyến Zoom để nói chuyện trực tiếp với họ, để hiểu họ đang gặp vấn đề gì và ông có thể  có thể giải quyết vấn đề ra sao.

Hiện tại sau khi IPO, Zoom có hàng trăm triệu USD trong ngân hàng và một giá trị thị trường khổng lồ mà công ty có thể sử dụng để đầu tư vào tiếp thị, sáp nhập và phát triển trí tuệ nhân tạo. Viên Chinh cho biết ông rất phấn khích về triển vọng phát triển các tính năng thông minh cung cấp cho người tham gia cuộc họp các bản tóm tắt tự động.

Việc Zoom được định giá cao là kết quả của tăng trưởng doanh thu đạt 118% trong năm 2018, cùng với chất lượng bất ngờ của một công ty phần mềm mới nổi: lợi nhuận. Hàng ngàn  doanh nghiệp như Uber và ngân hàng Wells Fargo sử dụng phần mềm của Zoom, nhiều công ty tận dụng lợi thế sản phẩm được cung cấp miễn phí, ngoài ra có 344 công ty chấp nhận trả 100 nghìn USD/năm.

Zoom đã bắt đầu được chấp nhận nhiều hơn, thông qua sự kết hợp của sản phẩm miễn phí mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thông qua điện thoại thông minh, và còn có một bộ công cụ để đồng bộ hóa video với hệ thống hội nghị truyền thống.

Thay vì sử dụng Google Hangouts hoặc Skype trên điện thoại, WebEx hoặc GoToMeeting từ máy tính cá nhân và thiết bị của Cisco hay Polycom cho phòng hội nghị lớn, Zoom muốn cung cấp tất cả dịch vụ đó dưới dạng các gói đăng ký trả phí hàng tháng. Việc này sẽ hiệu quả cho các doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào.

Thị trường video hội nghị toàn cầu được dự báo tăng trưởng 8% trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2026, theo tính toán của công ty nghiên cứu thị trường Transparency Market Research, bởi sẽ ngày một nhiều người làm việc từ nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm