Do đó, nhiều người đã nghĩ tới việc yêu cầu kiểm định lại công tơ của hộ nhà mình. Tuy nhiên, việc kiểm định công tơ lại đang khiến không ít người băn khoăn về cách thức và chi phí.
Chị Đỗ Hà (Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: “Tháng vừa rồi, hóa đơn điện của mình tăng tới 3 lần so với tháng trước, từ 850.000 đồng lên tới 2,5 triệu đồng. Mình thắc mắc thì được nhân viên EVN giải thích tháng vừa rồi nóng, dùng nhiều điện, tăng cao hơn bình thường là đúng rồi. Sau đó anh này tự ghi vào biên bản là "Sau khi được giải thích thì khách hàng không còn thắc mắc gì nữa". Mình không đồng ý, liền gạch dòng trên đi và viết lại rằng "Sau khi được giải thích thì khách hàng vẫn còn thắc mắc và không thấy hài lòng vì gia đình tự thấy là lượng điện sử dụng tháng 6 có tăng nhưng không thể gấp 3 lần tháng 5 được".
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh – Hà Nội) khuyến cáo: “Để bảo đảm được quyền lợi thì trước hết người tiêu dùng phải hiểu rõ luật để có thể tự bảo vệ mình. Câu trả lời của nhân viên điện lực trong trường hợp vừa nêu là không có căn cứ, vi phạm quyền lợi của khách hàng. Bởi khoản 3 Điều 25 Luật điện lực quy định nhà cung cấp phải đảm bảo điện cho người tiêu dùng khi đem công tơ đi kiểm định, luật cũng nêu rõ chi phí kiểm định sẽ do ai chi trả”.
Luật sư Truyền cũng cho hay, trong trường hợp đã khiếu nại mà chưa nhận được câu trả lời từ nhà cung cấp, hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó, khách hàng có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo Luật tố tụng hành chính để đảm bảo quyền lợi của mình.
Khoản 3, Điều 25 Luật điện lực quy định về kiểm định thiết bị đo đếm điện: Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định. Khoản 4 Điều 25 Luật điện lực quy định về chi phí kiểm định:
Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên mua điện phải trả phí kiểm định;
Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên bán điện phải trả phí kiểm định.
|