Tiếp sức để nhà kinh doanh tăng tốc mùa cuối năm

(PLO)- Để đạt mục tiêu tăng trưởng như đề ra, TP.HCM cần quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, đặc biệt cần có các hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Những tháng đầu năm 2024 kinh tế TP.HCM được đánh giá là tiếp tục đà phục hồi qua chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng, doanh thu xuất nhập khẩu tăng. Tình hình sản xuất, kinh doanh của một số ngành hàng có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) trong những lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng của kinh tế TP.HCM như thương mại dịch vụ, du lịch công nghiệp hỗ trợ, điện điện tử... vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ để giúp DN phục hồi, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% đã đề ra.

.Ông Đinh Công Khương, Tổng Giám đốc Công ty thép Khương Mai, Chủ nhiệm CLB DN Thép TP.HCM:

TP.HCM cần xây dựng lại bảng giá đất mới cho phù hợp

Ông Đinh Công Khương, Tổng Giám đốc Công ty Thép Khương Mai

Trong chín tháng đầu năm nay tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi vẫn chưa thực sự khởi sắc. Đáng chú ý, thời gian qua do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản ở Trung Quốc cũng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến nguồn cung thép tại quốc gia này dư thừa. Vì vậy, Trung Quốc chuyển hướng ra bên ngoài trong đó có thị trường Việt Nam. Ví dụ, từ Quý I đến nay giá thép cuộn cán nóng Trung Quốc giảm mạnh kéo giá trong nước tại Việt Nam giảm theo, từ 16.000 giảm còn 2.000 đồng/kg.

Trước bối cảnh thị trường tiêu thụ giảm, cộng với nguồn cung nhập khẩu với giá rẻ khiến các công ty thép trong nước vô cùng khó khăn với tồn kho nhiều, thừa công suất. Đơn cử như công ty thép lớn nhất Việt Nam với ba nhà máy thì hiện tại chỉ có một nhà máy hoạt động cầm chừng.

Trước những khó khăn trên, để hỗ trợ các DN thép nói chung và tại TP.HCM nói riêng chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1-8. Tuy nhiên, hiện nay thị trường vẫn chưa có tín hiệu lạc quan. Đặc biệt thông tin dự thảo bảng giá đất mới của TP.HCM quá cao khiến người dân, lẫn DN e ngại đầu tư sẽ không hiệu quả. Như vậy, không thúc đẩy hoạt động đầu tư, xây dựng phát triển, DN ngành thép chưa thoát khó.

Chúng tôi đề xuất chính quyền thành phố cần xây dựng lại giá đất mới phù hợp với thị trường để người dân, DN có cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng hạ tầng, cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ, giải quyết các căn hộ tái định cư bỏ hoang… Qua đó, các DN chuỗi cung ứng ngành xây dựng trong đó có DN thép có cơ hội phục hồi.

Đối với các DN xuất khẩu, việc chậm hoàn thuế cho DN xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi, thành phố cần thúc đẩy nhanh hơn để hỗ trợ cho DN.

.Ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Công nghiệp và Thương mại Vít Việt:

Mặt bằng, vốn, các chính sách hỗ trợ đều bị tắc

Tuy là DN nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng chúng tôi tự hào với sản phẩm ốc vít Việt Nam đầu tiên xuất khẩu đến các thị trường Đông Nam Á, được Tổ chức UL (Mỹ) cấp chứng nhận, đang bảo vệ thương hiệu tại Úc, Mỹ, Trung Quốc… Chúng tôi sản xuất ốc vít sử dụng cho bàn ghế xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ và nhiều thị trường khác. Qua đó khẳng định thương hiệu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng hiện nay mặt bằng, vốn, các chính sách hỗ trợ đều bị tắc.

Khó khăn của DN là thiếu vốn do chính sách đất đai trong khu công nghiệp kéo dài từ ba năm qua đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Từ năm 2017, công ty đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí tại KCN Hiệp Phước giai đoạn II, với quy mô 3.000m2/5.000m2. Với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, công ty đã đóng tiền thuê đất 50 năm một lần cho KCN Hiệp Phước nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, chúng tôi muốn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất không thể xoay sở được. Đồng thời, chúng tôi cũng mất cơ hội tham gia chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất mà TP.HCM vừa khởi động.

Công nghiệp hỗ trợ được xem là xương sống của nền công nghiệp quốc gia nhưng với thực tế hiện nay công nghiệp hỗ tr nhỏ và vừa chưa lớn đã già nua. Nhiều năm qua nhiều DN như chúng tôi đã kiến nghị thành phố tháo gỡ nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Chúng tôi tha thiết kiến nghị TP.HCM cần vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 một cách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn không chỉ riêng công ty mà cho nhiều DN công nghiệp hỗ trợ khác để có thể tiếp tục lớn mạnh.

.Ông Văn Viết Tuấn, Tổng Giám đốc Vietronic Tân Bình:

Cần đầu tư nâng cấp hạ tầng logistics, viễn thông, điện năng

Ông Văn Viết Tuấn, Tổng Giám đốc Vietronic Tân Bình.

DN ngành điện tử Việt Nam đang gặp một số khó khăn đó là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu phát triển ngành sản xuất điện tử. Chi phí sản xuất, chi phí tiền lương, điện, logistics của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.

Đơn cử, theo số liệu của World Bank chi phí nhân công của Việt Nam khoảng 2.700 USD/người, cao hơn 30%-40% so với một số nước như Malaysia, Lào, Myanmar, Thái Lan… Tất cả các yếu tố trên ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.

Song song đó, hiện nay DN vẫn phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, phụ tùng, công nghệ từ các nước dẫn đến chi phí sản xuất hàng điện tử của Việt Nam cũng tăng cao hơn. Hơn nữa, giữa các DN và các đơn vị đào tạo, các trường cao đẳng đại học thiếu sự liên kết chặt chẽ cũng như hoạt động đào tạo chưa đáp ứng xu hướng phát triển ngành điện tử tại Việt Nam.

Vì vậy, để ngành điện tử phát triển Việt Nam nói chung và TP.HCM cần hỗ trợ về tín dụng, vốn cụ thể trong từng nhóm ngành, đặc biệt là hỗ trợ các dự án sản phẩm công nghệ cao. Chính phủ cần có chương trình khuyến nghị cơ quan, DN tại các bộ ngành, các địa phương sử dụng một số sản phẩm thương hiệu Việt sản xuất tại Việt Nam.

Chúng ta có thể tham khảo mô hình hỗ trợ như một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, viễn thông, điện năng để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng điện tử cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, TP.HCM chú trọng xây dựng khu cụm công nghiệp chuyên ngành điện tử dân dụng, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, nền tảng xây dựng chương trình sản xuất trong nước “Make in Vietnam 2030”.

.TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM:

“Điểm nóng” mà thành phố cần phải tập trung theo dõi

TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM

Trong báo cáo đánh giá “Kinh tế TP.HCM phục hồi và Thách thức” do Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng Cục Thống kê TP.HCM phát hành, chúng tôi phân tích nhiều chỉ số cho thấy DN nội địa tại thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và xu hướng tăng trưởng đầu tư khiêm tốn. Đây là “điểm nóng” thành phố cần phải tập trung theo dõi.

Những khó khăn này xuất phát từ nhu cầu thị trường nội địa chưa tăng trưởng mạnh trong khi DN vẫn chưa tận dụng được cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro, bất định khiến DN nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Vì vậy, DN nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản giá trị cầm cố sẽ gặp nhiều khó khăn.

Song song đó, các ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp. Từ đầu quý II-2024 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7%-7,5% thành phố quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu.

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng, đặc biệt thành phố cần có các hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN nội địa nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển. Theo đó, đối với DN vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ khó khăn trong tiếp cận tín dụng để duy trì đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thành phố cần tìm ra những giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận được tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho DN trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong những tháng cuối năm 2024, cộng với việc TP.HCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp, chúng tôi cho rằng thành phố có thể đạt mức tăng trưởng7%- 7,5% cho cả năm 2024.

Cần các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch

Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách quảng bá, kích cầu thu hút du khách DN gặp phải một số khó khăn như tài chính, nguồn lực để triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay chi phí các hoạt động marketing, quảng cáo trên các nền tảng số, tổ chức sự kiện ngày càng tăng cao. Trong khi thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh khốc liệt từ các công ty lữ hành truyền thống lẫn các nền tảng đặt phòng trực tuyến.

Ngoài ra, sự thay đổi liên tục trong xu hướng và yêu cầu của khách hàng khiến việc xác định các chiến lược quảng bá đang trở nên khó khăn.

Vì vậy, để ngành du lịch ngày càng hấp dẫn hơn, TP.HCM cần có một số giải pháp, chính sách như nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch. Tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của TP.HCM như các tour khám phá lịch sử, văn hóa, ẩm thực và sự kiện nghệ thuật.

Hơn nữa, thành phố cần cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính cho các công ty du lịch, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để khuyến khích họ đầu tư vào nâng cấp dịch vụ, sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN du lịch trong quảng bá và tiếp thị sản phẩm qua các kênh truyền thông quốc tế và các sự kiện du lịch.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới