Giá tiêu dùng ở TP.HCM tăng

(PLO)- Trong 11 nhóm hàng tính giá tiêu dùng có 7 nhóm hàng tăng giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vừa qua tăng 0,22 % so với tháng trước và tăng 3,44 % so với cùng kỳ.

Trong 11 nhóm hàng tính giá tiêu dùng có 7 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng cao nhất 1,70 %.

Tiếp đến là nhóm giao thông chỉ số giá tăng cao thứ 2 với 1,51 %, chủ yếu do giá xăng tăng 3,56 %.

giá tiêu dùng
Tháng 7, giá gạo tăng. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhóm hàng quan trọng tính chỉ số giá tiêu dùng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ 0,11 %. Đáng chú ý trong nhóm lương thực, thực phẩm thì chỉ số giá gạo tăng 0,32 %, giá bột mì, ngũ cốc khác tăng 1,15 %, giá trứng các loại tăng 2,10 %.

Các nhóm hàng còn lại chỉ số giá đều giảm. Nhóm đồ uống và thuốc lá giá giảm nhiều nhất 0,12%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29 % và có đến 10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng giá cao nhất với mức tăng 7,78 %, tiếp đến là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,48 %.

Về thương mại và dịch vụ 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác) đạt hơn 661.500 tỉ đồng, tăng 10,3 % so với cùng kỳ.

Cục Thống kê TP.HCM đánh giá có được kết quả này nhờ TP tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và du lịch với sự hưởng ứng của nhiều đơn vị. Nhiều hàng hóa thiết yếu được giảm giá sâu, đảm bảo chất lượng thu hút nhiều người dân mua sắm.

Trong tháng 7 chỉ số giá vàng tăng 15,10%; bình quân 7 tháng giá vàng tăng 19,68% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá USD tăng 7,02% so với cùng kỳ; bình quân 7 tháng giá USD tăng 5,74% so với cùng kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm