Ngày 9-5, UBND quận 1 (TP.HCM) tổ chức Hội nghị Thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 và ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1”.
Người dân an tâm mua bán
Việc tổ chức thí điểm sẽ thực hiện từ ngày 9-5 đến 30-9-2024 đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hoá trên địa bàn quận 1.
Các tuyến đường này gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3m, trong đó có 1,5m dành cho người đi bộ. 10/11 tuyến đường mà quận 1 thí điểm có mức giá thuê là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt phường Cô Giang có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).
Theo đánh giá của nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại đây, việc thu phí sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho người kinh doanh.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền (người kinh doanh trên đường Lê Thánh Tôn) cho rằng việc cho thuê một phần vỉa hè giúp cho người dân kinh doanh an tâm hơn. Trước đây không được thuê, nếu người kinh doanh sử dụng vỉa hè để buôn bán sẽ bị phạt, trong khi nhu cầu sử dụng là có.
"Nhiều khách hàng đến uống nước muốn ngồi khu vực phía ngoài cho thoáng mát, khách nước ngoài cũng nhiều người yêu cầu ngồi phía ngoài để ngắm đường xá nhưng nếu chúng tôi kê bàn phía trước quán là sẽ bị xử lý ngay. Vì vậy, việc thuê vỉa hè như vậy rất thuận tiện cho người kinh doanh và còn tăng được nguồn thu ngân sách" - chị Tuyền nói.
Chỉ có một xe nước nhỏ để trên vỉa hè, chị Lê Thị Khuyên (đường Hải Triều) cũng cảm thấy phấn khởi hơn khi được đăng ký kinh doanh trên vỉa hè.
"Trước đây chúng tôi phải buôn bán tạm bợ, có lực lượng chức năng đến thì đẩy xe, ôm ghế tháo chạy. Việc quận cho thuê một phần vỉa hè để buôn bán khiến những người như chúng tôi rất yên tâm vì đã được "hợp thức hóa" việc buôn bán, không phải lo bị phạt hay tịch thu đồ dùng" - chị Khuyên bộc bạch.
Đảm bảo phần vỉa hè cho người đi bộ
Một trong những vấn đề đặt ra là khi cho thuê một phần vỉa hè là có trường hợp lấn chiếm thêm diện tích, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ. Trước vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết sẽ kiểm tra thường xuyên trên các tuyến đường, nếu có trường hợp lấn chiếm sẽ xử lý theo quy định.
Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường chấn chỉnh hơn nữa với các hộ kinh doanh, thực hiện nghiêm, đảm bảo hè phố tối thiểu 1.5m (không tính phần bỏ vỉa) dành cho người đi bộ, không được lấn chiếm lòng đường dẫn đến tai nạn giao thông.
"Yêu cầu Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND 10 phường tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn. Định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất có báo cáo UBND quận đánh giá tổng kết tình hình quản lý và sử dụng hè phố, các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng giải quyết" - Ông Lê Đức Thanh nói.
Dễ dàng đăng ký sử dụng vỉa hè
Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết người dân sẽ thực hiện việc đăng ký sử dụng vỉa hè tại 11 tuyến đường thí điểm thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1".
Việc sử dụng ứng dụng giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số hè phố.
Bản đồ số hè phố sẽ được tích hợp tất cả các đối tượng hiện hữu trên hè phố như vật liệu hè phố, cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật... Bên cạnh đó, quận cũng triển khai ứng dụng thu phí, lệ phí trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước, ưu tiên không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi cho người dân.