Quận 1: Đơn giản hóa quản lý vỉa hè bằng phần mềm

(PLO)- Phần mềm quản lý giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vỉa hè, tuyến đường theo hướng thông minh, công khai, hiện đại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND quận 1 (TP.HCM) vừa hoàn tất xây dựng phần mềm bản đồ số các danh mục tuyến đường để quản lý vỉa hè, tuyến đường với tên gọi “Tra cứu chức năng hè phố quận 1”. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức phí đóng lệ phí.

12 tuyến đủ điều kiện giữ xe có thu phí

Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, trên địa bàn quận 1 có 137 tuyến đường, trong đó có 86 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ giữ xe. UBND quận đã đề xuất Sở GTVT TP.HCM thống nhất với danh mục các tuyến đường và ra quyết định ban hành danh mục 86 tuyến đường này.

Thu phí vỉa hè
Đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM được kẻ vạch sơn phần để thu phí. Ảnh: AP

“Qua làm việc với sự thống nhất và góp ý của các tổ chức, đơn vị có liên quan, quận 1 có 52 tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và 12 tuyến đường, hè phố đủ điều kiện giữ xe có thu phí. Từ đó, UBND quận 1 đã xây dựng phương án khai thác, sử dụng theo hướng dẫn của Sở GTVT đảm bảo các tiêu chí của sở” - ông Vinh nói.

Trong thời gian tới, sau khi có ý kiến thống nhất của Sở GTVT, Ban An toàn giao thông, quận 1 sẽ ban hành danh mục và công khai rộng rãi đến người dân danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và danh mục các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện giữ xe có thu phí trên địa bàn.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này các tuyến đường đủ điều kiện để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ giữ xe thuộc 10 phường trên địa bàn đã hoàn thành công tác kẻ vạch sơn như tuyến đường Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho), tuyến đường Nguyễn Trãi (phường Bến Thành), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao)...

Nhiều tiêu chí khi khai thác, sử dụng vỉa hè

UBND quận 1 đã xây dựng phương án khai thác, sử dụng theo hướng dẫn của Sở GTVT bao gồm các tiêu chí:

Hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5 m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.

Hạn chế tối đa thực hiện tại một số vị trí khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo, y tế, trường học.

Hiện trạng vị trí, đoạn đường đề xuất có khảo sát và cập nhật công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiết yếu gồm công trình ngầm và nổi như cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, cây xanh, điện lực, viễn thông…

Tra cứu các tuyến đường thu phí bằng ứng dụng

Theo báo cáo của UBND quận 1, trong thời gian chờ Sở GTVT góp ý kiến đối với danh mục 52 tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và 12 tuyến đường, hè phố đủ điều kiện giữ xe có thu phí, UBND quận đã xây dựng phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố quận 1” với danh mục các tuyến đường, hè phố để người dân sử dụng. Từ đó nắm thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức phí phải đóng theo quy định. Dự kiến sau ngày 30-4, quận 1 sẽ triển khai phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố quận 1” bằng mã QR.

Theo ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, phần mềm mới sẽ mang lại nhiều tiện ích. Trong đó, cơ quan nhà nước có thể dễ dàng quản lý các tuyến đường, hè phố hiệu quả; nhanh chóng phê duyệt phương án sử dụng của tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận nội dung đăng ký.

Về phía người dân có thể dễ dàng xem bản đồ các hè phố, tra cứu từng vị trí tuyến đường theo danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, giữ xe có thu phí một cách nhanh chóng. Người dân còn có thể nhận được kết quả chính xác thông qua việc tự động tra cứu vào cơ sở dữ liệu các danh mục đã được UBND quận ban hành, đồng thời theo dõi kết quả đề nghị đăng ký sử dụng tuyến đường, hè phố cùng mức lệ phí phải đóng.

“Cách thức thu phí trước đây là phải triển khai lực lượng của phường, quận hoặc Đội Quản lý trật tự đô thị. Khi phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố quận 1” đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nhân sự thực hiện” - ông Phát nói.•

Các quận đang lên danh mục tuyến đường đủ điều kiện thu phí

Ngày 29-12-2023, TP.HCM có công văn triển khai thực hiện về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo quy định, Sở GTVT tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý. UBND quận, huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp quận, huyện quản lý.

Quận 1 thuộc khu vực 1 với mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho hoạt động kinh doanh 50.000-100.000 đồng/m2/tháng, cho hoạt động giữ xe 180.000-350.000 đồng/m2/tháng.

Hiện các quận, huyện khác của TP cũng đang thực hiện đăng ký danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện sử dụng tạm ngoài mục đích giao thông trên địa bàn. Đơn cử quận Bình Tân có năm tuyến đường (triển khai thí điểm) với bề rộng hè phố từ 3 m trở lên được đề xuất là các đường Kinh Dương Vương, Tên Lửa, Vành Đai Trong, đường số 7, Trần Văn Giàu; quận 10 có 28 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện đưa vào danh mục có thu phí…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm