20 triệu để làm quy chế quản lý lòng đường, vỉa hè thì không thể đủ...

(PLO)- Đại biểu cho biết kinh phí quy định cho công tác pháp chế đã được nâng lên nhưng vẫn không đủ để làm những nghị quyết, quyết định, quy chế, nhất là những cái đặc thù, phức tạp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua, 1-11, nhiều đại biểu (ĐB) khi thảo luận về việc rà soát pháp luật tại Quốc hội đã đề cập đến kết quả rà soát cũng như kinh phí cho việc ban hành pháp luật.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) đã đề cập đến kết quả rà soát cũng như công tác pháp chế. Bà đồng tình với nhiều ĐB khác khi đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong rà soát pháp luật.

Theo ĐB Hạnh, báo cáo rà soát nói chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật. Bà đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này.

“Đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc là việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan” - ĐB Hạnh nêu ýkiến.

Thời gian rà soát theo Nghị quyết 101, theo bà Hạnh là khá gấp, kết quả rà soát dù rất tích cực nhưng chưa phản ánh được hết bức tranh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên cần tiếp tục rà soát.

nguyen-thi-hong-hanh.jpg
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu về rà soát pháp luật và công tác pháp chế chiều 1-11 tại Quốc hội. Ảnh: QH

Một bất cập khác theo ĐB đoàn TP.HCM là thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Các văn bản hiện chỉ quy định thẩm quyền chung của UBND, còn thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND chiếm chưa đến 50%. Quy định thẩm quyền chung của UBND nhiều như vậy thì khi triển khai một việc nào đó UBND phải lấy ý kiến đầy đủ các thành viên.

Chẳng hạn Nghị định 10/2019 quy định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với DNNN chiếm 100% vốn điều lệ. Vì vậy, khi phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, quỹ tiền thưởng hoặc tăng vốn điều lệ của một DNNN nào đó UBND phải lấy ý kiến đầy đủ của các thành viên. Hoặc theo Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở, UBND cũng phải lấy ý kiến tất cả các thành viên trước khi ban hành quyết định thu hồi một căn nhà thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng trái pháp luật.

“Tôi đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương khi quy định thẩm quyền của các địa phương cần quan tâm đến bất cập này” - bà Hạnh nói và đề xuất quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ nên quy định thẩm quyền chung của UBND cấp tỉnh đối với những nhiệm vụ của UBND tại Điều 21 và Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Với các thẩm quyền còn lại nên giao trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh để khắc phục bất cập và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.

ĐB Hạnh cũng đề cập đến nguồn lực cho công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng và công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nói chung. Theo bà, nguồn lực cho công tác này bao nhiêu năm nay chưa có sự chuyển biến tương xứng.

Bộ Tài chính đã sửa đổi các thông tư liên quan, kinh phí cho một Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh tăng từ 10 triệu lên 20 triệu nhưng mức này còn thấp.

“TP.HCM vừa ban hành quy chế quản lý lòng lề đường, vỉa hè và mức thu phí, mức này không đủ để tổ chức những hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và thậm chí chỉ là khảo sát lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động của chính sách” - ĐB Hạnh nói.

Mặt khác, Nghị định 55/2011 quy định rất cụ thể về tổ chức bộ máy và chế độ chính sách của công tác pháp chế nhưng theo ĐB Hồng Hạnh, hơn 12 năm qua, những quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Hồi triển khai Nghị định 55, TP.HCM rất quyết liệt nên đã có 11/14 sở, ngành có tổ chức pháp chế chuyên nghiệp.

“Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định 24, Nghị định 107 và các Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy các sở, ngành thì tổ chức pháp chế là tổ chức đầu tiên được “ưu tiên” giải thể và sáp nhập vào các phòng chuyên môn khác” - ĐB Hạnh cho hay.

Chính vì vậy, bà kỳ vọng với các định hướng củng cố, kiện toàn pháp chế gần đây của Chính phủ thì công tác này sẽ được nâng lên xứng tầm. Bà đề xuất ít nhất các sở Lao động, Y tế, GD&ĐT của TP.HCM phải có tổ chức pháp chế chuyên nghiệp.

Ủy ban Thường vụ cần tăng cường giải thích quy phạm pháp luật

Đồng tình, ĐB Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) đề nghị Quốc hội, Chính phủ coi việc rà soát pháp luật, xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật là một trong những thông điệp quan trọng hướng đến ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 hàng năm.

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đề xuất tuân thủ nguyên lý để pháp luật đi vào cuộc sống thì ngoài quy định pháp luật phù hợp, cần phải có một bộ máy thực thi pháp luật đủ mạnh và tinh thần thượng tôn pháp luật của các chủ thể liên quan.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc rà soát theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và phải làm thường xuyên để hạn chế tối đa việc sửa đổi hoặc rà soát theo từng đợt.

“Quốc hội biết rất rõ có những dự án luật chúng ta đi từ xây dựng chính sách, lập đề nghị cho đến lúc thông qua tầm hai năm, trong khi nhiều quy định chỉ làm trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng đến kết quả, mặc dù ở trong các tổ công tác đã hết sức cố gắng rồi” - Bộ trưởng nói.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tăng cường vai trò giải thích quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền như Hiến pháp quy định. Với các kiến nghị của các ĐB, Bộ trưởng xin được tiếp thu để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm