Tìm ra người tung clip sai sự thật về đoàn xe chủ tịch

Tìm ra người tung clip sai sự thật về đoàn xe chủ tịch ảnh 1

Hình ảnh cắt từ clip.

Theo đó, đối tượng này tên là NCK (ngụ xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), làm nghề tự do. K. đã có hành vi phát tán clip, tung tin sai sự thật về “Đoàn xe Chủ tịch Quốc hội về thăm quê Bến Tre” và Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn đang tiến hành xác minh và mời K. lên làm việc để xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện tại trên trang Facebook của người này đã thay đổi trạng thái và có lời xin lỗi vì thông tin sai sự thật.
Trước đó, ngày 28-10, trên mạng xã hội Facebook và YouTube xuất hiện đoạn clip với hình ảnh đoàn xe hàng chục chiếc đang chạy và chú thích rằng đây là đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê Giồng Trôm, Bến Tre.
Đoạn clip này nhanh chóng lan truyền trên một số trang mạng xã hội với lượt xem rất lớn và nhận không ít lời bình luận phản cảm.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre sau đó khẳng định thông tin trên là bịa đặt, sai sự thật và có tính xuyên tạc.

Lán trại khu vực diễn tập phòng thủ huyện Giồng Trôm.

Thực tế vào các ngày 27 và 28-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội. Còn hình ảnh đoàn xe trong đoạn clip thực chất là đoàn xe của công an, quân đội, lãnh đạo các địa phương cùng các đơn vị chức năng tỉnh Bến Tre đang tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Bình Đại năm 2016.

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Có thể xử lý hình sự hoặc hành chính

Về mặt hành chính: Việc cố tình đăng tải clip trên Facebook và thuyết minh thông tin nội dung sai sự thật là hành vi xúc phạm danh dự người khác. Những người dù chưa biết độ chính xác của thông tin này nhưng vẫn chia sẻ lên trang cá nhân để nhiều người nữa vào bình phẩm cũng có hành vi vi phạm như trên nhưng mức độ nhẹ hơn.

Những hành vi này vi phạm điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 về quản lý sử dụng dịch vụ Internet (cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân). Hành vi này cũng vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nếu người vi phạm đã chủ động gỡ nội dung đăng sai và xin lỗi thì có thể hưởng tình tiết giảm nhẹ là giảm số tiền phạt.

Về mặt hình sự: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, có thể xem xét xử lý hình sự người tung clip lên mạng. Thứ nhất, có thể xem xét tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS (bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm). Thứ hai, xử lý theo khoản 1 Điều 122 BLHS (tội vu khống) với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Thứ ba, có thể xử lý theo Điều 258 BLHS (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân).

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm