Cuốn sách “Bác Hồ - một tình yêu bao la” (do NXB Kim Đồng phát hành tháng 5/2010) có kể về cuộc gặp mà ít người biết tới giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh họa Pablo Picasso tại thành phố Paris, Pháp năm 1946 .
Cuộc gặp ấy đã diễn ra một cách thân mật và giản dị - một cuộc gặp sau 35 năm không gặp của hai người bạn đồng chí hướng, từng cùng gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuộc gặp này sau đó đã được ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký của Bác thời bấy giờ - kể lại và được ghi chép trong cuốn sách “Bác Hồ - một tình yêu bao la”.
Thời trẻ, Bác làm bồi bàn ở khách sạn là để có thể mở rộng giao tiếp với những nhân vật nổi danh thế giới, chứ không phải chỉ để kiếm sống.
Năm 1911, Bác Hồ khi đó 21 tuổi, mới đặt chân lên đất Pháp, Bác đã gặp gỡ và quen biết họa sĩ Picasso khi đó đã 30 tuổi và là một họa sĩ nổi danh tại Paris. Qua những lần tham gia một số hoạt động nghệ thuật, Bác Hồ đã vài lần gặp gỡ Picasso và nhiều văn nghệ sĩ khác ở nhóm Clarté (Ánh sáng).
Năm 1946, Bác qua Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau và tranh thủ đến thăm người bạn cũ - danh họa Picasso sau nhiều năm xa cách. Tới Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia - thượng khách của nước Pháp, nhưng Bác vẫn không quên ghé thăm để tỏ lòng ngưỡng mộ một người bạn nghệ sĩ từng chứng kiến một thời trai trẻ đầy gian khó của mình - danh họa Pablo Picasso.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt đó đã được ông Vũ Đình Huỳnh kể lại như sau:
Một hôm, Bác gọi tôi đến bảo:
- Chú thay bộ quân phục, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ.
Lúc lên xe, đi một quãng Bác mới cho hay:
- Hôm nay, chúng ta đến thăm danh họa Picasso.
Tôi ngạc nhiên:
- Bác cũng quen họa sĩ Picasso ạ?
Bác nói:
- Giả sử không quen biết từ trước thì đến thủ đô Paris này, chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu mà nghệ thuật của tranh ông lại làm nhiều người mê.
Bác đến không báo trước. Lúc người giúp việc của Picasso đưa Bác đến gần cửa, họa sĩ đã nhận ra Bác. Ông vội chạy tới:
- Chào anh Nguyễn!
Hai người ôm chầm lấy nhau. Rồi Picasso lùi lại một bước ngắm Bác:
- Anh chóng già quá, nhưng đôi mắt vẫn trẻ và như sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở Trụ sở nhóm Clarté (Ánh sáng)”.
Picasso đưa Bác đi xem phòng tranh của ông. Bác cầm từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picasso hỏi Bác:
- Anh cho tôi một lời khuyên.
Bác nói:
- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về tranh Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi - một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.
Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:
- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria (Người cùng khổ), anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu. Ngày ấy tôi nói với Henri Basbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ tịch, người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác.
Ông mời Bác uống nước, rồi phác mấy nét chân dung Bác. Xong, ông cất vào cặp giấy vẽ. Đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao cho Bác. Sau đó, Bác trao lại cho tôi cất giữ…
Tiếc thay, qua nhiều năm sóng gió của chiến tranh, bức chân dung đã thất lạc, nếu còn, nó sẽ là một bằng chứng sinh động cho tình bạn giữa hai vĩ nhân.
15 năm sau (tháng 8-1961), nhân dịp danh họa Picasso tròn 80 tuổi, Bác Hồ đã gửi tới bạn một bức thư chúc mừng.
Trong thư Người viết: “Đồng chí Picasso thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những con người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê cái Thiện, cái Mỹ, với hòa bình và nhân đạo. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picasso đến với chủ nghĩa cộng sản. Và vì thế, họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân”.
Guernica - một bức tranh phản chiến mang ý nghĩa biểu tượng của Pablo Picasso.
Về sau, cháu gái của danh họa Picasso - cô Marina Picasso - cũng rất gắn bó với đất nước Việt Nam. Từ lâu, cô Marina đã được biết tới là người tích cực tham gia vào nhiều hoạt động nhân đạo tại Việt Nam. Cô đã lập một ngôi làng dành cho trẻ mồ côi tại quận Thủ Đức, TPHCM với 25 căn nhà nhỏ, một dãy nhà tập thể, một bệnh xá nhỏ, một khu sân chơi và bể bơi. Ngôi làng đã đón nhận 350 trẻ em trong suốt 20 năm hoạt động.
Ngoài ra, cô Marina Picasso còn hỗ trợ cho Bệnh viện Nhi đồng ở TPHCM với những hoạt động như gây quỹ để mua thêm trang thiết bị, hỗ trợ các khóa huấn luyện nghiệp vụ cho y bác sĩ, xây mới, sửa sang một số tòa nhà trong bệnh viện, tặng sữa cho trẻ nhỏ…
Theo Bích Ngọc (Dân trí)