Tinh giản biên chế: Không thể cầu toàn

(PLO)- Còn tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng giữa các đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là vị tư lệnh ngành thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH).

Đánh giá kết quả tinh giản biên chế thời gian qua là “rất đáng ghi nhận”, tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Tao Văn Giót (Lai Châu) cho rằng còn tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng giữa các đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực. “Đâu là nguyên nhân chính và giải pháp?” - ĐB Giót hỏi.

ĐB này cũng quan tâm việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến cải cách tiền lương để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời về việc cán bộ, viên chức bị kỷ luật. Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời về việc cán bộ, viên chức bị kỷ luật. Ảnh: QH

Tinh giản biên chế: Phải chấp nhận “giảm cơ học”

“Câu hỏi rất hay” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bình luận.

Tư lệnh ngành nội vụ cho hay vừa qua chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách...

“Điều này tác động lớn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương” - bà Trà nói và cho biết từ năm 2019 đến nay đã tiết kiệm được trên 25.600 tỉ đồng, đưa vào nguồn cải cách tiền lương.

Cũng theo người đứng đầu ngành nội vụ, việc giảm biên chế là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, chúng ta giảm được 10,1% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Tôi cho rằng còn những hạn chế, có cào bằng, có cơ học nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu và đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” - vẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Đã xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, chiếm 1% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức và đây là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nói cử tri cho rằng việc phân bổ chỉ tiêu cũng như tinh giản biên chế ở một số nơi vẫn còn bất cập.

“Giám sát ở tỉnh Kiên Giang cho thấy TP Phú Quốc là đơn vị thu ngân sách chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 25%-30% nhưng biên chế chỉ được bố trí ngang bằng với cấp huyện, thị khác. Một số địa phương khác cũng có tình trạng tương tự” - ông Sơn nói.

Đáp lại, bà Trà một lần nữa khẳng định “phải chấp nhận việc giảm cơ học, thực hiện theo chỉ tiêu giao” và “không thể cầu toàn”. “Nếu không giao chỉ tiêu cụ thể thì khó thực hiện được” - bà Trà nói và cho hay quá trình này sẽ tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện.

Bà Trà cũng trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu và một phần xác định được vị trí việc làm.

Thừa nhận chưa đạt được “mục tiêu mong muốn”, bà Trà cho hay để có được một vị trí việc làm thật chuẩn, đảm bảo bao quát trong cả hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương cùng với Bộ Nội vụ sẽ phải hoàn thiện tiếp việc này.

Sẽ tăng cán bộ ở phường, xã
có đông dân cư

Về việc cào bằng số lượng cán bộ, công chức cấp xã (loại 1 là 23 người, loại 2 là 21 người và loại 3 là 19 người), Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận là có những bất hợp lý.

Tới đây, khi sửa nghị định, ngoài việc theo phân loại đơn vị hành chính sẽ tính thêm yếu tố liên quan đến quy mô dân số để đảm bảo đối với những phường, xã, những nơi có quá đông dân cư (như ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...) sẽ được “cộng thêm” cán bộ theo quy mô dân số, giao địa phương thực hiện nhưng phải đảm bảo phù hợp nhưng không được quá định mức theo quy định của Chính phủ.

Xử lý kỷ luật 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thời gian qua không ít cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận.

“Với tư cách tư lệnh ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong công tác cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng cho biết nhận xét về vấn đề này, đâu là nguyên nhân và giải pháp?” - ĐB Hòa đặt vấn đề.

“Tôi rất cám ơn ĐB Hòa đã có câu hỏi rất thời sự” - Bộ trưởng Trà nói và cung cấp thông tin từ năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, chúng ta phải xử lý kỷ luật 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự.

Với cán bộ, công chức, viên chức, bà Trà cho biết phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng có người bị xử lý hình sự. “Số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật chiếm 1% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Từ thực trạng này, bà Trà cho rằng thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm theo tinh thần tăng cường và chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm quy định phòng chống tham nhũng và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Bộ Nội vụ sẽ tham mưu, ban hành nghị định về đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ, điều này nhằm đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sạch, phục vụ nhân dân.

Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) về việc khắc phục sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ hướng dẫn rà soát sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức từ năm 2007 đến nay. “Chúng ta đã phải thu hồi 1.021 quyết định sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức” - bà Trà thông tin về kết quả rà soát vừa qua.

“Sau cuộc rà soát này, chúng ta chấn chỉnh lại. Các địa phương, bộ, ngành cũng đang thực hiện rất nghiêm túc, không để sai phạm trong vấn đề tuyển dụng đối với công chức, viên chức nữa” - bà Trà nói thêm.

Lương viên chức thấp hơn lương tối thiểu vùng

ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) chất vấn hiện nay có nghịch lý là Chính phủ xây dựng lương tối thiểu vùng thấp nhất là 3,25 triệu đồng, trong khi lương của đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp chưa được 3 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng. “Giải pháp gì để giữ chân những người này, tuyển người mới vì lương thấp cũng là nguyên nhân không tuyển được nhân viên khu vực này” - ĐB Khánh nói.

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực chất tiền lương vùng 1 là 4,68 triệu đồng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng. “Lương nhân viên, kể cả phụ cấp công vụ 25% thì chỉ hơn 3,464 triệu đồng, đúng là thấp hơn lương tối thiểu vùng như ĐB phản ánh” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tại kỳ họp này, QH dự kiến điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). “Nếu điều kiện đất nước trong năm 2022 và những năm tới ổn định, tăng trưởng tốt, chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đương nhiên đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng thì đảm bảo cho tất cả đối tượng hài hòa, công bằng, hợp lý” - Bộ trưởng Trà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm