Tòa án, VKS tại TP.HCM ngày đầu giãn cách

Từ 0 giờ ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020.

Chánh án TP.HCM kịp thời ra chỉ đạo phòng chống dịch

Ngày 31-5, chánh án TAND TP.HCM có chỉ đạo về việc phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện giãn cách xã hội tại TP.HCM. Theo đó, từ 0 giờ ngày 31-5 đến hết 24 giờ ngày 15-6, chánh án TAND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, chánh án các tòa chuyên trách, trưởng bộ phận thuộc TAND TP.HCM thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Riêng TAND quận Gò Vấp và quận 12 tạm dừng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc, trừ các trường hợp cấp bách phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Ví dụ giải quyết yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam...

Phòng chống dịch tại TAND TP Thủ Đức ngày 31-5. Ảnh: HY

TAND quận 12 chỉ áp dụng quy định trên đối với công chức, người lao động cư trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12; đối với vụ việc đương sự, người liên quan có trụ sở, cư trú, làm việc, tài sản tranh chấp tại phường này.

Các TAND quận, huyện khác tổ chức phân loại các vụ án, vụ việc đang giải quyết. Trong thời gian này chỉ đưa ra xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc đã hết hoặc sắp hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn); vụ án, vụ việc có liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

Phòng xử giới hạn 10 người

Theo ghi nhận của PV, sáng 31-5, TAND TP.HCM vẫn xét xử hai vụ án hình sự theo lịch đã được lên trước đó. Hai phiên tòa này đều tổ chức trong phòng xử chỉ giới hạn 10 người. Một số phiên xử dân sự kết thúc sớm vì vắng mặt các đương sự không đến tòa liên quan đến việc giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tại cổng tòa, đương sự, luật sư, người đến liên hệ công tác đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế theo quy định.

Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh cho biết đơn vị mình thuộc khu vực giãn cách theo Chỉ thị 15. Vì thế, cơ quan chỉ hạn chế người đến liên hệ công việc hay mời đương sự làm việc. Ngoài ra, các công chức, người lao động đang thuộc các diện F2, F3 sẽ được cho nghỉ ở nhà, tuân thủ theo quy định chung của y tế trong tình hình phòng chống dịch.

Với tính đặc thù là cơ quan có ba cơ sở đặt tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ, ông Vinh cho biết ở mỗi cơ sở đều có bố trí lãnh đạo để kịp thời giải quyết mọi công việc.

Cán bộ kiểm sát luân phiên đến trụ sở làm việc

Tại trụ sở VKSND TP.HCM, việc kiểm tra người ra vào cơ quan được siết chặt. Người ra vào đều phải chấp hành việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế.

Tại VKSND quận Gò Vấp, do đặc thù công viêc, có những việc không thể làm ở nhà nên VKS sắp xếp đảm bảo được 1/3 cán bộ, công chức, người lao động thuộc các mảng chuyên môn khác nhau làm việc tại trụ sở. Các nhóm sẽ thay phiên đến cơ quan làm việc, đồng thời tại cơ quan luôn có lãnh đạo trực.

Đáng chú ý, đơn vị này triển khai việc công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có thể khai báo y tế qua mã QR code  theo hướng dẫn cụ thể được dán ngay cổng.

Sở Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp qua mạng

Để phù hợp tình hình mới trong phòng chống dịch, 13 giờ ngày 31-5, Sở Tư pháp TP.HCM tạm ngừng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến theo Công văn 2276 được sở ban hành cùng ngày. Trong sáng 31-5, lượng người đến thực hiện thủ tục tại sở, các phòng công chứng giảm nhiều. Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, công chứng đều được thực hiện bằng phương thức trực tuyến.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, thời gian tạm ngưng giải quyết hồ sơ thủ tục trực tiếp, người dân vẫn có thể giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp bản sao trích lục hộ tịch và đăng ký vi bằng thông qua hình thức trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến.

“Sở Tư pháp đẩy mạnh giải quyết các thủ tục bằng phương thức trực tuyến nhằm đảm bảo tuân thủ giãn cách mà vẫn giải quyết được các vấn đề cấp thiết của người dân. Các đơn vị trực thuộc sở phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, hướng dẫn người dân đến liên hệ tuân thủ 5K và có các phương án làm việc trực tuyến" - ông Hạnh nói.

Bà Huỳnh Kim Điệp, Phó Trưởng phòng Công chứng số 5 (có trụ sở ở quận Gò Vấp), cho biết ngay ngày đầu tiên thực hiện phong tỏa, lượng người đến giải quyết thủ tục giảm hơn một nửa.

Theo bà Điệp, để ứng phó với dịch bệnh, cá nhân có nhu cầu công chứng phải đăng nhập vào trang Zalo của phòng để đặt lịch hẹn nhằm tránh tập trung đông người. Các trường hợp có nhu cầu công chứng gấp, cấp thiết sẽ được ưu tiên giải quyết sớm.

“Tại khu vực làm việc, chúng tôi chỉ tiếp tối đa 10 người. Công chứng viên và người dân ngồi cách nhau 2 m. Người dân đến liên hệ và nhân viên phòng công chứng phải tuân thủ nghiêm 5K” - bà Điệp nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, khẳng định các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý vẫn diễn ra trong thời gian TP giãn cách. Trung tâm đặt máy rửa tay tự động, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, đo thân nhiệt…

“Trung tâm ưu tiên tư vấn trực tiếp những vụ việc cấp thiết và sẽ tư vấn qua email, website cho các trường hợp gặp vướng mắc thông thường. Trung tâm cũng thực hiện giảm số lượng nhân viên và luật sư đến làm việc tại trụ sở” - ông Đạt thông tin.

TRÚC PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm