Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch COVID-19, cùng với ngành tòa án, các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát (VKS), thi hành án (THA) cũng đã có những việc làm cụ thể để phòng, chống, thậm chí là ứng phó khi cần thiết. Ngày 19-3, Pháp Luật TP.HCMđã ghi nhận được không khí khẩn trương, sự cẩn trọng và trách nhiệm của các đơn vị này.
Ngành kiểm sát đưa ra tình huống xấu
Ngày 17-3, VKSND Tối cao đã có thông báo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, viện trưởng VKSND Cấp cao, cấp tỉnh tạm dừng một số hoạt động trong quý II-2020 vì dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, các hội nghị, hội thảo, thanh tra, kiểm tra… chuyển sang hình thức khác (trực tuyến, gửi văn bản quán triệt, lấy ý kiến, email, fax, kiểm tra gián tiếp qua báo cáo hoặc lùi thời gian).
Ngoài ra, các đơn vị phải dừng các đoàn đi công tác, học tập nước ngoài, hạn chế các hoạt động có khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Các trường hợp đặc biệt phải báo cáo xin ý kiến viện trưởng VKSND Tối cao.
Theo VKSND Tối cao, nếu bắt buộc phải tiếp công dân, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, hỏi cung, tham gia phiên tòa, dự các cuộc họp… thì các đơn vị phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thông báo cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó kịp thời đối với các tình huống cách ly, phong tỏa có thể xảy ra (như cách ly cục bộ đơn vị, cơ quan hoặc phong tỏa khu vực, địa phương…).
Các đơn vị không tiếp khách tại phòng làm việc, bố trí phòng tiếp khách riêng, hằng ngày thực hiện khử khuẩn, vệ sinh phòng tiếp khách.
Cục THADS TP.HCM cung cấp miễn phí khẩu trang, nước sát khuẩn cho người dân. Ảnh: CẨM TÚ. VKSND Cấp cao tại TP.HCM đo thân nhiệt cho khách từ ngoài cổng. Ảnh: HUỲNH HOA
Ngành THA tạm dừng tiếp dân, cưỡng chế
Ngày 18-3, Tổng cục THA dân sự (DS) có công văn gửi thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Tổng cục, cục trưởng Cục THADS các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ nay đến hết tháng 3, đối với những địa phương dịch đang có diễn biến phức tạp phải tổ chức thực hiện nhiều nội dung.
Cụ thể là hạn chế việc nhận đơn yêu cầu THA, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả THA trực tiếp tại trụ sở cơ quan THADS. Khuyến khích cơ quan THADS thực hiện việc tiếp nhận đơn yêu cầu THA, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả THA thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua phần mềm hỗ trợ trực tuyến.
Công văn yêu cầu dừng việc triệu tập đương sự, giải quyết việc THA tại trụ sở cơ quan, các cuộc họp liên ngành, cưỡng chế có huy động lực lượng. Ngoại trừ vụ việc bắt buộc phải thực hiện theo đúng thời hạn luật định thì cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Công văn cũng yêu cầu tạm dừng tất cả chuyến đi công tác nước ngoài hoặc đi nước ngoài vì việc riêng của công chức, viên chức, người lao động.
Tổng cục khuyến cáo công chức, viên chức, người lao động không đi tham quan, du lịch, hạn chế đến những vùng đang có dịch, đến nơi tập trung đông người, đám hiếu, đám hỷ… Ngoài ra, yêu cầu công chức, viên chức, người lao động tự xác nhận nhóm tiếp xúc của bản thân (F1, F2, F3 theo hướng dẫn của Bộ Y tế), chủ động khai báo thông tin chi tiết với cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn và theo dõi cách ly.
Các đơn vị phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin, không lan truyền thông tin không rõ nguồn gốc hoặc chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Các đơn vị phải trang bị máy đo thân nhiệt, theo dõi, kiểm soát chặt người đến giao dịch tại cơ quan, phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt tại cổng bảo vệ, rửa tay sát khuẩn…
Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình sức khỏe của công chức, viên chức, người lao động của mình, đặc biệt đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, về ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở địa phương và tổng cục (qua số điện thoại 024.627.39585 hoặc 0912.211.521).
Tập trung hồ sơ giám đốc thẩm, tái thẩm Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Chánh Văn phòng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cơ quan đã bố trí người theo dõi, kiểm soát chặt chẽ khách đến làm việc, giao dịch. Cụ thể là hướng dẫn khách phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn y tế, đo thân nhiệt (nếu trên 37 độ C thì không cho vào cơ quan). Bố trí người thực hiện khử khuẩn, vệ sinh phòng tiếp công dân, nút bấm thang máy, tay nắm cửa ra vào các phòng làm việc, phòng họp, phòng vệ sinh… hằng ngày. Đối với các ô tô ra vào trụ sở, nhân viên lái xe cần thực hiện vệ sinh phòng dịch để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Thời gian này, do tòa án cấp cao tạm dừng xét xử nên toàn thể cán bộ, kiểm sát viên tập trung toàn lực vào nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. |
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng: Bắt buộc đeo khẩu trang Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng cho biết cơ quan thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch. Đó là việc bắt buộc cán bộ, công chức và khách đến liên hệ công tác phải rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Gia đình cán bộ nào có biểu hiện nghi vấn về sức khỏe thì phải báo cáo cơ quan, yêu cầu đi khám bệnh hoặc cho nghỉ ở nhà. “Một nữ cán bộ có chồng bị cách ly, do liên quan đến một người bị nhiễm COVID-19, đã được chúng tôi cho nghỉ việc ở nhà. Người có sức khỏe không tốt, đề kháng yếu, cơ quan cũng tạm thời cho nghỉ ở nhà, làm việc từ xa. Các cháu học sinh được nghỉ học, phụ huynh không thể gửi được ai, chúng tôi cũng cho cán bộ nghỉ phép luân phiên. Ví dụ đối với cán bộ văn thư, người nghỉ buổi sáng, người nghỉ buổi chiều mà vẫn đảm bảo lúc nào cũng có người làm việc” - ông Dũng thông tin. VKSND Bình Thuận: Tạm dừng tiếp công dân Ông Dương Xuân Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, cho biết để phòng, chống đại dịch, ngày 19-3, cơ quan này ra thông báo sẽ tạm dừng việc tổ chức tiếp công dân tại số 22 Nguyễn Tất Thành, TP Phan Thiết từ ngày 19-3 đến hết ngày 30-3. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đề nghị thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính. Theo ông Sơn, trước đó VKS tỉnh cũng đã yêu cầu tất cả cán bộ, công chức và người dân khi đến làm việc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Nước rửa tay được bố trí ngay hành lang, phòng bảo vệ. VKS tỉnh yêu cầu ngưng những cuộc họp chưa cần thiết, buộc phải họp thì phải bố trí chỗ ngồi cách xa nhau. Đối với kiểm sát viên khi đi khám nghiệm hiện trường thì phải nâng cao cảnh giác, trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Cục THA TP.HCM: Dùng quạt thay cho máy lạnh Ghi nhận tại Cục THADS TP.HCM, ngay từ cổng ra vào có bảo vệ túc trực để đo thân nhiệt, có dung dịch rửa tay sát khuẩn, nếu ai không có khẩu trang thì được cung cấp miễn phí. Người tham dự các cuộc họp dù vắng hay đông thì cũng phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, phòng họp được mở cửa thông thoáng, không sử dụng điều hòa mà chỉ sử dụng quạt. Đoàn thanh niên tổ chức tổng vệ sinh các phòng làm việc, bắt đầu ngày làm việc là vệ sinh các tay nắm cửa... Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS TP Vũ Quốc Doanh đã có văn bản gửi các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục THADS 24 quận/huyện yêu cầu thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Tổng cục. Trước đó, Cục THADS TP cũng đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện rà soát, cân nhắc chỉ tổ chức các cuộc họp, hội nghị thật sự cần thiết tại trụ sở cục, chi cục có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị bên ngoài. Cục THA Lâm Đồng: Tạm dừng triệu tập đương sự Tại Lâm Đồng, ông Trần Hữu Thọ, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lâm Đồng, cho biết dù tỉnh chưa phát hiện ca nào bị nhiễm COVID-19 nhưng do là tỉnh du lịch nên mọi cán bộ, công chức vẫn phải nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh. “Chúng tôi không tổ chức hội nghị, cuộc họp có đông người. Cục và chi cục đã chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang… Tỉnh ủy, ủy ban, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS cũng có chỉ đạo rất chặt chẽ, cán bộ, công chức đều chấp hành tốt để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh. Tôi cũng đã chỉ đạo các phòng tại cục và các chi cục trong thời gian này tạm dừng triệu tập đương sự đến trực tiếp mà chủ yếu là phát hành văn bản” - ông Thọ thông tin. |