Mới đây TAND quận 5, TP.HCM thụ lý vụ Công ty TNHH Thành Bưởi (gọi tắt là Thành Bưởi, trụ sở quận 5, TP.HCM) yêu cầu báo Giao Thông (trụ sở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín. Nguyên đơn khởi kiện cho rằng báo Giao Thông đăng tải những bài báo có nội dung liên quan đến công ty không đúng sự thật, xâm phạm quyền lợi của mình. Trong quá trình tòa đang giải quyết vụ kiện thì báo Giao Thông lại tiếp tục đăng bài gây thiệt hại cho nguyên đơn.
Cấm báo đăng bài tiếp
Đáng chú ý, mới đây TAND quận 5 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của phía nguyên đơn. Cụ thể, tòa buộc báo Giao Thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án, cho đến khi tòa giải quyết xong vụ án.
Tòa vận dụng khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS 2015 về cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết.
Đây là lần đầu tiên tòa án ra quyết định khẩn cấp tạm thời cấm một cơ quan báo chí đăng bài liên quan đến những nội dung đang bị kiện để chờ kết quả xét xử của tòa. Đây được đánh giá là sự kiện pháp lý chưa có tiền lệ. Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo TAND quận 5, TP.HCM để có thêm thông tin nhưng chưa được trả lời chính thức.
Không sai luật…
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên khoa Luật dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM, tòa căn cứ khoản 12 Điều 114 BLTTDS 2015 để ra quyết định như trên là phù hợp. Việc báo Giao Thông viết bài, cho đăng bài là một loại hành vi. Thực tế thì luật không thể quy định cụ thể theo phương pháp liệt kê vì thực tế có hàng trăm, hàng ngàn hành vi khác nhau. Bị đơn có thể thiệt hại khi vụ án bị kéo dài do không được quyền thông tin những vấn đề bị cấm. Nhưng đây không phải là lý do để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vì nó nằm trong quy trình tố tụng mà tòa được phép làm.
Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cũng cho rằng thẩm phán có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên. Việc đánh giá yêu cầu của nguyên đơn có cần thiết hay không cũng thuộc quyền của thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án, tùy tình hình thực tế mà thẩm phán có áp dụng hay không. Ngoài ra, tòa chỉ buộc bị đơn không được đăng về một số chủ đề nhất định, tức là có giới hạn một số hành vi cụ thể. Tòa không cấm bị đơn đăng tải tất cả thông tin khác có liên quan đến nguyên đơn. Nhưng những thông tin liên quan đến vụ kiện, bị đơn phải chờ tòa giải quyết xong mới được thông tin tiếp. Tránh tình trạng bị đơn tiếp tục thông tin cho đăng bài làm phát sinh thêm các tình tiết mới liên quan đến yêu cầu khởi kiện, khiến vụ án không có điểm dừng. Do đó, tòa áp dụng biện pháp này là không trái luật.
Nhưng có “bó tay” báo chí?
Nhiều ý kiến cho rằng quyết định trên của tòa tuy không sai nhưng vi phạm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí tại Điều 4 Luật Báo chí. Theo đó báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Việc tòa áp dụng biện pháp này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các vụ kiện tương tự, gây khó khăn cho hoạt động thông tin trên báo chí…
Theo ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, báo chí có quyền thông tin nhưng phải trên cơ sở đúng pháp luật. Trong vụ này, nếu đối chiếu với quy định của pháp luật mà tòa án đã áp dụng đúng thì báo chí phải tuân thủ theo. Mặt khác, tòa cũng chỉ hạn chế một số vấn đề không được thông tin khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa, còn các vấn đề khác thì cơ quan báo chí vẫn có quyền đăng bài phản ánh.
Chiều 28-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết sẽ kiểm tra hồ sơ vụ kiện để kịp thời có hướng dẫn nghiệp vụ cho TAND quận 5. Theo đó, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thẩm quyền của thẩm phán trong BLTTDS nhưng khi áp dụng phải xem xét toàn diện, trong đó có quy định của Luật Báo chí. Ngoài ra, biện pháp cấm thực hiện một hành vi nhất định liên quan cơ quan báo chí là việc chưa có tiền lệ nên cần phải cân nhắc và tính toán kỹ. Trước mắt, TAND TP.HCM sẽ yêu cầu TAND quận 5 báo cáo và chuyển hồ sơ vụ kiện lên để xem xét một cách toàn diện. “Thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện vẫn thuộc TAND quận 5 nhưng TAND TP.HCM sẽ có ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ về việc áp dụng biện pháp này” - bà Hương nói.
Quyết định có hiệu lực ngay Theo điểm d khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự (THADS), trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do tòa án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định THA và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành. Cũng theo Điều 165 Luật THADS, người phải THA cố ý không chấp hành quyết định, bản án của tòa có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. “Báo phải tôn trọng pháp luật” Những thông tin báo Giao Thông đăng tải là sai sự thật, vu khống công ty, là hành vi “trả thù” việc khởi kiện. Báo Giao Thông đang cố đẩy Thành Bưởi vào con đường phá sản và hàng ngàn người lao động có thể mất việc làm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị báo Giao Thông trong thời gian tòa giải quyết vụ kiện tôn trọng pháp luật, chấm dứt việc tiếp tục cho đăng những nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty. Ông NGUYỄN Hồ HỮU TÙNG, Trưởng phòng Hành chính nhân sự và Bảo hiểm tài sản - Công ty TNHH Thành Bưởi “Sẽ khiếu nại quyết định” Chúng tôi sẽ khiếu nại yêu cầu tòa hủy quyết định trên vì nó vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí. Các thông tin mà báo Giao Thông đã đăng phản ánh đúng sự thật, khách quan và phù hợp pháp luật. Thành Bưởi kiện báo Giao Thông về bài viết “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật” nên việc có hay không việc đăng bài tiếp liên quan đến “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước” cũng không thuộc phạm vi khởi kiện, không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Nội dung quyết định không rõ, có thể được hiểu là khi Thành Bưởi có sai phạm và có chứng cứ thì báo Giao Thông cũng không được đăng bài, hay có thể đăng nhưng không được sử dụng những chữ trong quyết định đã liệt kê… Ông NGUYỄN BÁ KIÊN, Tổng Biên tập báo Giao Thông |