Về phía Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) đại diện đơn vị này vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện Công ty DS. Riêng việc bồi thường thiệt hại được giảm xuống còn 6 tỉ đồng (so với 6,2 tỷ đồng trước đó).
Luật sư Trương Anh Tú, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty Tuần Châu Hà Nội trình bày căn cứ cho hay, thực hiện hợp đồng, năm 2017, công ty TCHN đã thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7,3 tỉ đồng; chi hơn 5,9 tỉ đồng, nhằm phục vụ việc biểu diễn.
Đạo diễn Việt Tú trả lời báo chí sau khi phiên tòa kết thúc ngày 14-3.
Từ đó, luật sư Trương Anh Tú cho rằng việc đạo diễn Việt Tú tự đăng ký quyền sở hữu tác phẩm là trái với pháp luật. Đối đáp tại toà, đạo diễn Việt Tú khẳng định: "Vụ kiện này sẽ là điển hình với giới nghệ sĩ Việt Nam. Điều đau đớn nhất đối với một người nghệ sĩ là khi thấy tác phẩm của mình bị đạo nhái. Chúng tôi sẵn sàng trả lại quyền sở hữu vở diễn nếu phía Tuần Châu Hà Nội thanh toán đầy đủ, chấp nhận tiền bản quyền 10%".
Phía công ty DS cũng đưa ra phản tố, thứ nhất Tinh hoa Bắc bộ (THBB) đã sao chép những phân cảnh chủ chốt, những giá trị cốt lõi của kịch bản Ngày Xưa khi không được phép của tác giả/ chủ sở hữu kịch bản này. Thứ hai, TCHN chưa thanh toán cho DS các khoản phát sinh và yêu cầu TCHN phải trả cho DS 947.144.955 đồng. Thứ ba, TCHN đã vi phạm nghĩa vụ “độc quyền” và nghĩa vụ “không chuyển nhượng dự án”. Với vi phạm này, công ty DS yêu cầu TCHN phải bồi thường vi phạm Hợp đồng với tổng số tiền là 6,3 tỷ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội nêu quan điểm, việc công ty DS đăng ký quyền tác giả là phù hợp nhưng việc đăng ký quyền sở hữu kịch bản trên cho công ty DS trái thỏa thuận với hợp đồng, do đó công ty Tuần Châu yêu cầu tòa án buộc bị đơn chuyển giao quyền sở hữu tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh ngày xưa cho công ty Tuần Châu theo thỏa thuận của hợp đồng nguyên tắc là có căn cứ.
Phiên xử diễn ra tới gần 19 giờ cùng ngày, HĐXX quyết định việc tuyên án sẽ diễn ra vào sáng 20-3-2019.
Một cảnh trong vở "Thuở ấy xứ Đoài" của đạo diễn Việt Tú.
Diễn biến vụ việc
Tháng 6-2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn được Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Công ty TCHN) đầu tư. Thế nhưng sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn này bất ngờ bị huỷ bỏ.
Đến tháng 10-2017, Công ty TCHN công bố vở diễn "Tinh Hoa Bắc Bộ" và gọi rằng đây là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn.
Tháng 3-2018, đại diện Công ty TCHN cho biết Tòa Án nhân dân Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng. Theo đó, luật sư của Công ty TCHN cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của phía tập đoàn khi tự ý đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Đạo diễn Việt Tú sau đó đã phủ nhận những cáo buộc này.
Vào tháng 4-2018, đạo diễn vở "Tinh hoa Bắc Bộ" Hoàng Nhật Nam quyết định gửi đơn kiện đạo diễn Việt Tú khi đồng nghiệp phát ngôn trên báo chí cho rằng vở diễn do anh dàn dựng là một tác phẩm “phái sinh”, “đạo nhái”. Tuy nhiên sau đó, Toà Án nhân dân quận Bình Thạnh TP.HCM đã từ chối thụ lý.
Tháng 5-2018, Toà Án nhân dân Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Việt Tú làm đại diện, trong đó yêu cầu Công ty TCHN chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Ngày Xưa".
Tháng 8-2018, Toà Án nhân dân Hà Nội tiếp tục thụ lý đơn phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Công ty TCHN và đưa ra yêu cầu đối với TC về việc thừa nhận việc xây dựng tác phẩm trên nền tảng vở diễn "Ngày Xưa" và bồi thường thiệt hại.