TAND TP.HCM vừa tuyên hủy án vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản gần 15 tỉ đồng giữa ông P. (ngụ quận 2) và ông D.(ngụ huyện Hóc Môn) để xét xử lại. Vụ án gây chú ý khi bị đơn cho rằng mình chỉ đứng tên để vay tiền giùm cho cán bộ ngân hàng và nay bị níu áo.
Cho vay 15 tỉ không cần thế chấp
Tháng 10-2013, ông P. nộp đơn khởi kiện ra tòa huyện nơi ông D. sống để đòi nợ. Ông P. trình bày: Qua sự giới thiệu của ông V. là giám đốc Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Củ Chi và ông S. là trưởng phòng Tín dụng, Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Củ Chi, ngày 13-1-2010, ông có cho ông D. vay gần 15 tỉ đồng. Hai bên có ký hợp đồng vay tiền và giấy nhận tiền có ông S. là người làm chứng.
Theo ông P., thời điểm này ông D. đang thế chấp tài sản vài trăm tỉ đồng tại ngân hàng trên nhưng ông D. mới chỉ vay ngân hàng một phần nhỏ so với giá trị tài sản. Do đó, ông yên tâm cho ông D. vay tiền mà không cần tài sản thế chấp. Sau đó, ông P. đã nhiều lần liên hệ và đến tận nhà ông D. để yêu cầu trả nợ nhưng ông D. cứ hứa hẹn, không chịu trả cho ông P. số tiền đã vay.
Còn ông D. cho rằng hoàn toàn không có việc vay mượn tiền và cũng không có bất cứ giao dịch nào. Sở dĩ có hợp đồng vay tiền có chữ ký của ông là do bị ông S. lừa dối ký tên vào văn bản để trống. Sau này ông P. đã lợi dụng sơ hở điền thêm thông tin vào để khởi kiện ông D.. Mặt khác, nguyên đơn trình bày do tin tưởng ông có tài sản lớn lên đến vài trăm tỉ đồng đang thế chấp tại ngân hàng mà cho vay là không đúng, vì thực tế tài sản đó đã bán cho người khác. Cả ông S. và ông P. đều biết rất rõ.
Án sơ thẩm chưa khách quan, toàn diện
Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với nhận định vì có giấy tờ vay mượn như nguyên đơn trình bày. Ông D. kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, ông D. khẳng định chỉ đứng tên trên hợp đồng vay tiền để ông S. (là cán bộ ngân hàng) vay tiền giải quyết nợ xấu cho Công ty Phúc Thịnh.
Luật sư của ông D. phân tích sự thật là ông V. và ông S. nhờ ông D. đứng tên người vay tiền để giải quyết nợ xấu cho Công ty Phúc Thịnh. Bởi vì ông V. và ông S. làm việc tại ngân hàng, không thể đứng tên bên vay tiền. Ông D. đang là khách hàng vay tiền nên nể nang cán bộ ngân hàng và nhận lời đứng tên hộ. Hợp đồng vay tiền và giấy nhận tiền là do ông S. đưa mẫu cho ông D. điền thông tin bên người vay tiền và số tiền vay rồi đưa lại cho ông S. giữ.
Sau khi nghe các bên trình bày, TAND TP.HCM nhận định cấp sơ thẩm đã không đưa Công ty Phúc Thịnh vào tham gia tố tụng trong vụ án, chưa làm rõ nhiều tình tiết liên quan, chưa phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của ông P., ông S.. Việc điều tra, đánh giá chứng cứ như vậy là chưa khách quan, đầy đủ, toàn diện, dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa chính xác.
Do đó, để bảo đảm quyền của các đương sự, tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hóc Môn giải quyết lại vụ án.
Lập luận phá án của cấp phúc thẩm Theo HĐXX TAND TP.HCM, tòa nhận thấy có tồn tại một hợp đồng vay tiền với nội dung bên cho vay là ông P., bên vay là ông D. gần 15 tỉ đồng, không ghi lãi suất và thời hạn vay, cùng một giấy nhận tiền. Hai giấy này có người làm chứng là ông S.. Nguyên đơn căn cứ vào hai chứng cứ này để yêu cầu ông D. phải trả tiền. Phía bị đơn cho rằng sở dĩ có hai chứng cứ trên là do bị ông S. lừa dối ký tên vào văn bản để trống, sau này ông P. đã điền thêm thông tin vào để khởi kiện. Ông D. thừa nhận chữ ký, chữ viết trong hợp đồng vay tiền, giấy nhận tiền là do chính ông viết. Số tiền vay cũng là do ông D. tự điền vào. Ông D. khai sở dĩ ông ký vào hợp đồng vay tiền là do ông Việt và ông S. (cán bộ Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Củ Chi) nhờ ông đứng tên người vay tiền để trả nợ đến hạn của Công ty Phúc Thịnh đã vay của ngân hàng này. Tòa nhận thấy số tiền ghi trên hợp đồng vay tiền bằng đúng số tiền Công ty Phúc Thịnh cần nộp cho ngân hàng. Ngày ký hợp đồng vay tiền cùng ngày Công ty Phúc Thịnh nhận tổng số tiền từ người gửi là vợ của ông D.. Ông D. cung cấp giấy nhờ vay số tiền trên của giám đốc Công ty Phúc Thịnh viết. Nội dung người này nhờ ông D. vay số tiền trên thông qua sự giới thiệu của ông V. và ông S.. Việc ông P. khai tự điền thông tin người cho vay sau khi ông D. ghi cũng có thể chấp nhận nhưng việc ghi số CMND của ông P. cấp ngày 29-5-2010, sau ngày ký hợp đồng cho vay là điều vô lý… Tòa thấy cần phải làm rõ những tình tiết liên quan thì mới đánh giá được có hay không việc ông Việt, ông S. nhờ ông D. đứng tên trên giấy vay tiền như lời trình bày của ông D.. Từ đó mới có cơ sở xác định hợp đồng vay tiền trên có phải là giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác hay không… |