Tòa triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên

Mới đây, TAND tỉnh Bình Phước sau một ngày xét hỏi đã hoãn xử, trả hồ sơ để yêu cầu VKS điều tra bổ sung vụ Ngô Minh Chiến bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Triệu tập điều tra viên lẫn kiểm sát viên đến tòa

Theo hồ sơ, bị cáo ký hợp đồng vay của ông T. 9 tỉ đồng, lãi suất 2%/tháng. Tháng 4-2012, hai bên chốt nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi) với biên bản xác nhận nợ tại công an phường. Đến tháng 11-2013, ông T. làm đơn tố bị cáo chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng. Bị cáo kêu oan rằng không có hành vi gian dối khi vay tiền, không bỏ trốn, không có ý định chiếm đoạt tiền vay nhưng CQĐT, VKS cho rằng bị cáo không thừa nhận nợ, ngụy tạo chứng cứ nên khởi tố, truy tố.

Tại phiên tòa, bị cáo tố bị điều tra viên (ĐTV) ép cung, mớm cung khi lấy lời khai. Theo đó, ngày 11-12-2014, bị cáo đang mang thai nằm bệnh viện thì ĐTV NQH và kiểm sát viên (KSV) NTTH vào làm việc. Khi KSV TH về nhà nấu cơm, ĐTV QH đã đọc cho bị cáo viết lời khai theo ý của ĐTV.

Bị cáo và luật sư cũng cung cấp cho HĐXX một đoạn băng ghi âm bị cáo làm việc với ĐTV mà theo bị cáo, luật sư là chứng minh có chuyện này. Sau khi nghe ghi âm, HĐXX đã triệu tập cả ĐTV QH lẫn KSV TH đến phiên tòa để làm rõ.

Luật sư của bị cáo Chiến đề nghị HĐXX triệu tập bốn nhân chứng có mặt tại phòng bệnh vào ngày ĐTV QH lấy lời khai bị cáo trong bệnh viện. HĐXX chấp nhận và tách các nhân chứng này ra lấy lời khai riêng từng người. Sau đó HĐXX chỉ chấp nhận lời khai làm chứng của bệnh nhân nằm cạnh giường bị cáo, ba nhân chứng còn lại HĐXX cho rằng không khách quan do là người nhà, nhân viên của bị cáo.

Bệnh nhân nằm cạnh giường bị cáo khai: “Hôm đó, anh công an và chị KSV mặc đồ ngành đến phòng bệnh. Lúc sau, chị KSV về do chưa nấu cơm cho con, chỉ còn mình anh công an ở lại và đọc cho chị Chiến viết lời khai”. Nhân chứng cũng xác định với HĐXX rằng anh công an, chị KSV hôm đó chính là hai người đang ngồi dự tòa.

Ngược lại, KSV TH nói không bỏ về, ĐTV QH cũng khẳng định không có việc ép cung như bị cáo tố. Còn bị cáo Chiến nói hôm đó ĐTV yêu cầu bị cáo ghi theo những gì ĐTV đọc để ĐTV về làm thủ tục cho bị cáo tại ngoại sớm. Do đang rất mệt mỏi bởi có chứng tiền sản giật, sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên bị cáo nghe theo.

Trước diễn biến này, cuối cùng HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung như đã nói.

Bị cáo Chiến, người tố cáo điều tra viên ép cung, mớm cung. Ảnh: H.YẾN

Cần thiết để làm rõ vụ án

Ở phiên tòa trên, tình tiết pháp lý đáng chú ý là HĐXX đã triệu tập ĐTV, KSV ra tòa với tư cách là “người tham gia tố tụng khác” dù trước đó họ là những người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vậy pháp luật quy định về việc này như thế nào?

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), BLTTHS hiện hành không có quy định cụ thể về việc này, còn BLTTHS 2015 (đã tạm lùi hiệu lực thi hành) có quy định tại Điều 296. Theo đó, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập ĐTV, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, việc HĐXX triệu tập họ ra phiên tòa với tư cách gì, là người tham gia tố tụng hay người tiến hành tố tụng thì chưa rõ, khi nào BLTTHS 2015 được chính thức thi hành thì sẽ cần phải có hướng dẫn.

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) và nhiều chuyên gia khác, dù BLTTHS hiện hành không quy định và BLTTHS 2015 chưa được áp dụng nhưng với tinh thần cải cách tư pháp, việc HĐXX triệu tập cả ĐTV lẫn KSV từng tiến hành tố tụng đến tham gia phiên tòa để làm rõ tình tiết của vụ án là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp tòa có nhận định, đánh giá đúng đắn, làm căn cứ cho việc ra bản án, quyết định đúng pháp luật...

Trích đoạn ghi âm bị cáo cung cấp cho HĐXX

. Bị cáo Chiến: Cái ngày tôi nằm bệnh viện anh đọc cái tờ giấy mà tôi xác nhận nợ với ông Tuệ ấy, anh đọc cho tôi viết như thế thì tôi viết như thế.

+ ĐTV NQH: Ai đọc?

. Anh đọc.

+ Không VKS chứng kiến thì ai đọc.

. VKS lúc đó về rồi và không có ngồi đó và tôi có đầy đủ những bệnh nhân ở đó chứng kiến.

+ Thế tôi đọc được điều gì?

. Thì tôi khai là như thế.

+ Là sao?

. Anh đọc cho tôi viết.

+ Ai đọc cho chị viết?

. NQH đọc cho tôi viết và lúc đó không có sự chứng kiến của VKS, VKS anh kêu là về nấu cơm đi, trưa rồi.

+ Thế tôi hỏi này, thế tôi đọc mà không đúng thì tại sao chị ký vào?

. Bởi vì tôi biết lúc đó tôi đang mang thai, tôi muốn về nhà để tôi dưỡng thai nên tôi chấp hành theo anh. Anh đọc sao tôi viết vậy, mục đích để tôi được về nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai.

CQĐT, VKS từng bác bỏ tố cáo

Trước phiên xử, TAND tỉnh Bình Phước từng trả hồ sơ cho VKS, yêu cầu làm rõ khi ĐTV lấy lời khai ngày 11-12-2014, bị cáo Chiến có đảm bảo sức khỏe hay không, có hay không việc bị ép cung, mớm cung. Tòa cũng yêu cầu làm rõ hôm đó tại phòng bệnh có những ai và nếu cần thiết thì lấy thêm lời khai của những người này.

Sau đó CQĐT và VKS trả lời tòa rằng ĐTV lấy lời khai của bị cáo tại BV Đa khoa tỉnh Bình Phước và lúc đó bị cáo tỉnh táo, minh mẫn, không bị ép cung, mớm cung. Bị cáo trực tiếp viết có sự chứng kiến của ĐTV và KSV. Lúc đó còn có hai cán bộ trại giam tỉnh làm nhiệm vụ canh giữ bị cáo và họ đều xác định không có việc mớm cung, ép cung (bản khai của hai cán bộ trại giam này không đề cập gì đến việc KSV có mặt - NV).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới