Chiều 28-7, VKSND huyện Cam Lộ, Quảng Trị làm việc với ba thanh niên Trần Văn Cường, Bùi Minh Trang và Bùi Minh Trường (đều trú xã Cam An, huyện Cam Lộ) để làm rõ nội dung tố cáo bị Công an huyện Cam Lộ bắt giữ người trái luật, đánh đập trong quá trình xét hỏi.
Bị mời về công an
Trước đó, tối 21-7, hai thanh niên xã Cam An gây gổ với hai chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ trên địa bàn huyện. Sau đó hai thanh niên này cùng Cường, Trang, Trường và một số người khác kéo đến Trạm công an Sòng để tìm anh công an mà họ cho rằng đã dùng roi điện gí vào người hai thanh niên.
Công an huyện Cam Lộ đã đến hiện trường giải tỏa đám đông, đưa Cường, Trang và Trường về trụ sở công an huyện để làm rõ.
Sau năm ngày thấy con mình không trở về, chiều tối 26-7, người nhà ba thanh niên nói trên đến VKSND huyện Cam Lộ gửi đơn khiếu nại và yêu cầu thả người. Ngay sau khi nhận đơn, VKSND huyện đến làm việc với Công an huyện Cam Lộ thì ba thanh niên mới được thả ra. Họ bị giữ tại công an từ đêm 21-7 đến chiều 26-7 nhưng hồ sơ thì ghi được thả về vào ngày 23-7.
Chiều 28-7, chúng tôi liên hệ làm việc với Công an huyện Cam Lộ để tìm hiểu việc tố cáo của ba thanh niên thì một cán bộ trực ban cho biết lãnh đạo đi họp. Chúng tôi đề nghị làm việc với tổ công an trực tiếp xử lý vụ việc thì cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Trang, Trường, Cường (từ trái qua) đang tố cáo công an bắt giữ trái luật. Ảnh: N.DO
Tự nguyện viết đơn xin ở lại?
Theo ba thanh niên, khi bị giữ tại trụ sở, họ bị ép viết đơn “tự nguyện ở lại” để hợp tác điều tra. “Tuy nhiên, tờ đơn tự nguyện ở lại này do một cán bộ đọc cho chúng tôi viết lại và ký tên. Dù không muốn tí nào nhưng chúng tôi bị đánh nhiều quá, phải làm theo” - cả ba thanh niên kể.
Anh Cường cho biết: “Khi bị tạm giữ, chúng tôi bị đánh, một tay xích vào ghế, chỉ lúc đi vệ sinh mới được mở ra…”.
Trước đó, trả lời báo chí về “đơn tự nguyện ở lại trụ sở”, một lãnh đạo Công an huyện Cam Lộ giải thích những thanh niên trên có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ nên công an mời về làm rõ. Sau khi mời Cường, Trang, Trường lên làm việc, đơn vị đã làm thủ tục tạm giữ hành chính một ngày một đêm. “Sau đó họ viết đơn xin tự nguyện ở lại trụ sở công an huyện để hợp tác làm rõ chứ công an chưa bắt” - vị lãnh đạo này nói.
Ông Lê Huy Hoàn, Viện trưởng VKSND huyện Cam Lộ, cho biết đang làm rõ các nội dung tố cáo của ba thanh niên. “Hiện không có quy định nào về việc viết đơn tự nguyện ở lại trụ sở công an để phục vụ điều tra. VKS sẽ làm rõ tất cả nội dung, kể cả về đơn này” - ông Hoàn nói.
Có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật Qua vụ việc báo chí thông tin, tôi cho rằng một số cán bộ Công an huyện Cam Lộ có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật, được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Nếu cho rằng các thanh niên có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ thì Công an huyện Cam Lộ cần ra quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự. Các quyết định này phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. Tuy nhiên, các thanh niên chỉ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính mà Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ: Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản; thời gian tạm giữ hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết cũng không được quá 48 giờ.Công an huyện Cam Lộ giữ người đến năm ngày là vi phạm nghiêm trọng. Cũng cần nói thêm rằng không có luật nào quy định việc người bị tạm giữ tự nguyện ở lại trụ sở công an để hợp tác làm việc và cũng không ai có thể tin các đối tượng bị tạm giữ lại “tình nguyện” ở lại nơi mà họ bị buộc đến. Khi được thả ra, họ đồng loạt khiếu nại, tố cáo. Nếu có chuyện công an đọc và yêu cầu người bị tạm giữ viết, ký đơn “tự nguyện ở lại” thì đây còn có thể bị xem là hành vi mớm cung, ép cung cần được xử lý nghiêm minh. Bất cứ ai cũng phải được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động điều tra, xử lý các vi phạm vì đây là quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, |